Thủ tục cấp Giấy chứng nhận bị thương

(PL&XH) - Hỏi: Tôi sinh năm 1952, thường trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1970 đến khi giải phóng. Sau khi rời quân ngũ, tôi được cấp giấy chứng nhận thương tật mức độ 3/4 nhưng do mất giấy tờ gốc nên bây giờ vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh. Từ khi xuất ngũ tôi về quê chăn nuôi, làm ruộng chứ không tham gia bất kỳ cơ quan nào. Xin hỏi để được hưởng chế độ thương binh tôi có phải làm lại giấy chứng nhận thương tật không và phải xin ai hay cơ quan nào cấp lại?

Vấn đề bác hỏi chúng tôi xin trả lời như sau

Để hưởng chế độ thương binh theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP, bác cần các giấy tờ sau:

  1. Giấy chứng nhận bị thương.
  2. Biên bản giám định thương tật của Hội đồng giám định y khoa.
  3. Quyết định cấp Giấy chứng nhận thương binh, Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp thương tật.

Như vậy, trường hợp của bác cần phải xin cấp lại giấy chứng nhận bị thương. Khoản 2 Điều 28 Nghị định 31/2013/NĐ-CP về trách nhiệm cấp giấy chứng nhận bị thương quy định như sau:

2. Cấp giấy chứng nhận bị thương

  1. a) Người bị thương là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên;
  2. b) Người bị thương là công an nhân dân, công nhân viên công an nhân dân do Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên;
  3. c) Người bị thương thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương;
  4. d) Người bị thương thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  5. đ) Người bị thương thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn không thuộc quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản 2 Nghị định 31/2013/NĐ-CP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Do từ khi xuất ngũ bác không hoạt động tại bất kỳ cơ quan nào (quy định tại điểm a, b, c, d, khoản 2 Điều 28 Nghị định 31/2013/NĐ-CP) nên trường hợp của bác sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện nơi bác thường trú cấp giấy chứng nhận bị thương.

Đỗ Hoàng

Thạc sĩ luật Đại học Luật Hà Nội

Đỗ Hoàng / PL&XH

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.