Chưa có trường hợp nào xin tị nạn tại Việt Nam

(PL&XH) - Theo Dự thảo Báo cáo, Việt Nam không có nơi giam giữ người tị nạn và trên thực tế chưa có trường hợp nào xin tị nạn tại Việt Nam.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam. Theo đó, Nhà nước luôn đảm bảo quyền tự do và an ninh cá nhân cho công dân.

Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định (Điều 20). Nguyên tắc hiến định này đã được cụ thể hoá tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự...

Điểm tiến bộ của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là đã rút ngắn thời hạn tạm giam theo hướng: trong giai đoạn điều tra, đối với tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, chỉ cho phép gia hạn một lần; đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, chỉ cho phép gia hạn hai lần thay vì gia hạn ba lần. Việc tạm giữ, tạm giam đối với nghi phạm khủng bố cũng được áp dụng như đối với các tội phạm khác theo quy định của pháp luật.

Trong mọi trường hợp bắt, giữ người, cơ quan bắt phải thông báo cho gia đình, người thân, cơ quan, đơn vị của người bị bắt. Đối với bị can nếu bị bệnh về tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo mà có kết luận giám định tư pháp thì có thể tạm đình chỉ điều tra.

“Tại Việt Nam không có người bị bệnh tâm thần bị tạm giam trong bệnh viện tâm thần. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiếm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần và căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án”, Dự thảo Báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như tạm giữ người theo thủ tục hành chính, khám người theo thủ tục hành chính, quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp này.

Một cải cách lớn của Luật xử lý vi phạm hành chính nhìn từ góc độ quyền con người là cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ để những người này đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người này trong quá trình giải quyết tiếp theo.

Người nghiện ma túy được lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp không tự nguyện cai nghiện thì sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn.

Theo Dự thảo Báo cáo, Việt Nam không có nơi giam giữ người tị nạn và trên thực tế chưa có trường hợp nào xin tị nạn tại Việt Nam. Đối với các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, các cư quan chức năng sẽ tiến hành các biện pháp xử lý hành chính và yêu cầu xuất cảnh khỏi Việt Nam. Những người này không bị giam giữ, tra tấn hay đối xử hà khắc.

P.Thảo / PLXH

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.