Công ước về quyền của người khuyết tật

Ngày 13-12- 2006, tại kỳ họp lần thứ 61 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, các đại biểu đã nhất trí thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD). Đây là một văn bản quy phạm pháp luật quốc tế đầu tiên khẳng định mọi tiếp cận của người khuyết tật đều dựa trên quyền của người khuyết tật được quy định trong Công ước.

Công ước còn nhằm thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo cho người khuyết tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả quyền con người và quyền tự do cơ bản, đồng thời, thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá của người khuyết tật. Ngày 30-3-2007, CRPD và Nghị định thư không bắt buộc chính thức được mở cho các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có thể ký kết bất cứ lúc nào tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Sau khi được 20 nước phê chuẩn, CRPD và Nghị định thư không bắt buộc đã chính thức có hiệu lực vào ngày 3-5-2008. Tính đến tháng 9-2014, CRPD đã được 158 quốc gia ký tham gia, trong đó 150 quốc gia đã phê chuẩn. Việc các nước tích cực tham gia ký kết CRPD chứng tỏ các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với việc bảo vệ quyền của người khuyết tật là rất mạnh mẽ.

cong uoc ve quyen cua nguoi khuyet tat
ẢNH MINH HỌA

Việt Nam là một trong những quốc gia rất tích cực trong việc tham gia các công ước quốc tế liên quan đến nhân quyền. Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Với hoàn cảnh lịch sử đặc biệt - trải qua hai cuộc chiến tranh và đặc điểm địa lý có nhiều thiên tai… nên tỷ lệ người khuyết tật trong dân số ở Việt Nam luôn cao. Do đó, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm ban hành các chính sách đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật.

Từ năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về Người tàn tật, điều chỉnh một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thân của người khuyết tật. Đối với CRPD, chỉ bốn tháng sau khi Công ước này được mở, ngày 22-10-2007, Nhà nước Việt Nam đã ký cam kết tham gia CRPD. Sau khi ký kết CRPD, cùng với việc chuẩn bị cho việc phê chuẩn CRPD này, năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật thay thế cho Pháp lệnh về Người tàn tật; các cơ quan Nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của mình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của người khuyết tật theo tinh thần khuyến nghị của CRPD.

Có thể thấy, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về việc đảm bảo các quyền cơ bản của người khuyết tật trên các lĩnh vực đã có sự tương thích nhất định với những quy định của CRPD.

Đánh giá chung có thể thấy những quyền trên một số lĩnh vực cơ bản của người khuyết tật được nêu trong CRPD như: quyền được sống độc lập; quyền được tiếp cận về hạ tầng giao thông, thông tin; quyền được học tập; quyền được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; quyền được làm việc… đều được quy định đầy đủ trong Luật Người khuyết tật năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Tuy nhiên, một số vấn đề quan trọng trong nội dung khuyến nghị của CRPD về việc đảm bảo từng quyền cho người khuyết tật vẫn chưa được thể hiện đầy đủ trong các quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, những quy định pháp luật có ý nghĩa đảm bảo khả năng thực hiện các quyền trên thực tế vẫn chưa thực sự phù hợp và đầy đủ.

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.