Quyền về thủ tục khi bị trục xuất

Một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia thành viên của Công ước này chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật, trừ trường hợp khác do yêu cầu cấp thiết về an ninh quốc gia…  

Quyền về thủ tục khi bị trục xuất được quy định cụ thể tại Điều 13 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966. Điều 13 Công ước quy định: Một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia thành viên của Công ước này chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật, trừ trường hợp khác do yêu cầu cấp thiết về an ninh quốc gia, người bị trục xuất được phép đệ trình những lý lẽ phản đối việc trục xuất và được yêu cầu xem xét lại trường hợp của mình bởi nhà chức trách có thẩm quyền, người hoặc những người do nhà chức trách có thẩm quyền đặc biệt cử ra, và được đại diện khi trường hợp của mình được xem xét lại.

Theo đó, thông thường một người nước ngoài khi bị trục xuất phải được phép dời đi đến một trong những nước đồng ý chấp nhận người đó. Các quyền cụ thể nêu ở Điều 13 chỉ bảo vệ cho những người nước ngoài được cư trú hợp pháp ở trong lãnh thổ của một Quốc gia thành viên.

Điều này có nghĩa pháp luật quốc gia liên quan đến những yêu cầu về nhập cảnh và cư trú phải xác định được phạm vi của sự bảo vệ này, và những người nhập cảnh trái phép cũng như những người nước ngoài ở lại trên lãnh thổ quốc gia quá thời hạn được cho phép hoặc thời hạn theo pháp luật quy định sẽ không nằm trong đối tượng điều chỉnh của quy định này.

Tuy nhiên, trong trường hợp có tranh cãi về tính hợp pháp của việc nhập cảnh hay cư trú của người nước ngoài, nếu quyết định được đưa ra mà có thể dẫn tới việc trục xuất thì quyết định này phải được đưa ra phù hợp với Điều 13. Điều này đòi hỏi các nhà chức trách có thẩm quyền của các Quốc gia thành viên phải trung thực trong thực thi quyền lực, phải áp dụng và giải thích rõ ràng luật pháp trong nước, tuy nhiên cũng phải tuân thủ những yêu cầu của Công ước cụ thể như yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật.

Điều 13 trực tiếp quy định thủ tục chứ không phải là những điều kiện cơ sở cho việc trục xuất. Tuy nhiên, bằng việc chỉ cho phép những người thực hiện việc trục xuất trên cơ sở “tuân thủ quyết định được đưa ra phù hợp với luật pháp”, điều này rõ ràng nhằm mục đích ngăn chặn việc trục xuất tuỳ tiện.

Mặt khác, nó đặt ra việc xem xét mỗi trường hợp của mỗi người nước ngoài một cách riêng rẽ, nhờ đó, Điều 13 góp phần ngăn chặn các quyết định trục xuất tập thể hoặc hàng loạt. Điều này được khẳng định bằng những điều khoản về quyền trình bày những lý do chống lại việc trục xuất và được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, được đại diện trước các nhà chức trách hay một người được chỉ định. Một người nước ngoài phải được bảo đảm các điều kiện đầy đủ để có thể đưa ra những cơ sở chống lại việc trục xuất mình để quyền này được thực thi hiệu quả trong mọi trường hợp.

Các nguyên tắc của Điều 13 liên quan đến việc chống lại trục xuất và việc cho phép xem xét lại vụ việc bởi một cơ quan thẩm quyền chỉ có thể bị loại trừ bởi trường hợp “xuất phát từ các lý do bảo đảm an ninh quốc gia”. Không được có sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng người nước ngoài khác nhau trong việc áp dụng Điều 13.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, du lịch, công tác, học tập ngày càng nhiều và trong đó có một số người đã phạm tội ở Việt Nam.

Việc bổ sung hình phạt này với tính chất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung sẽ tạo điều kiện thuận lợi đế xử lý người nước ngoài phạm tội một cách hợp lý hơn. Mặt khác Bộ luật Hình sự của một số nước trên thế giới cũng quy định hình phạt này, chẳng hạn như tại Trung Quốc.

Theo đó, hình phạt này chỉ áp dụng vối người phạm tội là người nước ngoài mà bản thân họ là mối đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của những người khác tại Việt Nam.

Kỳ Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.