Tăng tuổi nghỉ hưu…
Dự thảo Luật nói trên có nội dung: Từ năm 2016 trở đi, tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ; hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ; từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên.
So với quy định hiện hành, Điều 187 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55, nam giới sẽ phải làm việc thêm 2 năm và nữ sẽ phải làm thêm từ 5-7 năm.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau 7 năm triển khai thực hiện Luật BHXH, hiện đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ, BHXH vẫn còn những hạn chế bất cập. Cụ thể các đơn vị nợ, chậm đóng BHXH cho người lao động còn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các DN ngoài quốc doanh và các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Một số quy định trong chế độ BHXH hiện hành không còn phù hợp với thực tế. Hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của cơ quan BHXH chưa chuyên nghiệp…
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHXH hiện hành, cơ quan soạn thảo cho rằng việc sửa đổi Luật BHXH là cần thiết. Tuy nhiên nội dung tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, như Dự thảo quy định, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Không khó để nhận thấy, Dự thảo luật nói trên đưa ra trong hoàn cảnh nhiều DN làm ăn thua lỗ, chậm hoặc nợ bảo hiểm, cắt giảm nhân sự. Trong khi đó điều kiện làm việc của người lao động, mức lương vẫn chưa được cải thiện đáng kể… Trong “hoàn cảnh” như vậy, việc lại kéo dài thêm thời gian làm việc của người lao động, đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận, khi cho rằng: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, với nội dung như vậy cũng có thể xem là không bảo vệ quyền lợi người lao động.
Nhiều công nhân ở nhóm ngành nghề “độc hại” mong được rút ngắn thời gian công tác, tuổi nghỉ hưu nữ là 45 và nam giới là 50. Ảnh: Sỹ Hào
Trước nội dung tăng tuổi nghỉ hưu, hiện nay còn có nhiều ý kiến trái chiều, ĐBQH khóa XIII, Trịnh Ngọc Phương chia sẻ với báo chí: “Theo tôi nguyên tắc ở đây là phải bảo đảm quỹ nhưng năng suất lao động tăng, còn việc đề xuất tăng tuổi về hưu là một lộ trình tiếp theo của các chính sách từ trước chứ không phải mấu chốt là ở bảo hiểm. Chính phủ đã đưa ra Nghị định 132 về vấn đề nghỉ hưu trước tuổi, Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng đề án nhằm tinh giản biên chế, bớt gánh nặng ngân sách. Ở một số quốc gia mà tôi được biết thì lại cho rằng cống hiến ở khu vực công hay tư thì đều là cống hiến cả. Do đó, khi ra chính sách, một số người có thể giảm tuổi về hưu chính thức vẫn bảo đảm có cống hiến thêm ở lĩnh vực tư nhân. Còn nếu vì lý do lo vỡ quỹ thì phải xem lại khâu quản lý. Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý quỹ BHXH có nhiều vấn đề, đặc biệt là số người hưởng “ảo” khá nhiều. Và trong thực tế việc các DN quỵt tiền bảo hiểm vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý”. |
Sỹ Hào
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-thao-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-12768.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.