Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2018 mới được Quốc hội thông qua đã quy định phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây được xem là điểm mới rất quan trọng.
Theo luật, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức;
Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
Theo luật, các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện có trách nhiệm thực hiện nguyên tắc, nội dung hình thức công khai, minh bạch… theo quy định của Luật.
![]() |
Theo Luật PCTN năm 2018, doan nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện tham nhũng (ảnh: internet) |
Đồng thời, thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Điều 23, thực hiện trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quy định theo Điều 72, Điều 73.
Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp, tổ chức nói trên khi có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm quy định tại Điều 80 của Luật PCTN sửa đổi năm 2018.
Trình tự, thủ tục thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng với các doanh nghiệp, tổ chức này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Luật sửa đổi cũng quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình.
Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định.
H.L
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cong-ty-dai-chung-to-chuc-tin-dung-co-trach-nhiem-phat-hien-phan-anh-tham-nhung-132306.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.