Thủ tục hành chính phải tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức, Nhà nước

Bạn đọc Trần Lan Hương, trú tại quận Bắc Từ Liêm hỏi: Việc đưa ra thủ tục hành chính phải tuân theo những quy định gì và kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện từ khi nào?

Vấn đề bạn hỏi, báo PL&XH xin trả lời như sau:

Theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC, tại Điều 7 nêu rõ thủ tục hành chính được quy định phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện; Phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước; Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước.

Đồng thời, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về thủ tục hành chính; thủ tục hành chính phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trên cơ sở bảo đảm tính liên thông giữa các thủ tục hành chính liên quan, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý; dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan nào, cơ quan đó phải có trách nhiệm hoàn chỉnh.

thu tuc hanh chinh phai tiet kiem thoi gian va chi phi cua ca nhan to chuc nha nuoc
Người dân làm TTHC tại UBND phường Phúc La, quận Hà Đông

Cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính phải tổ chức đánh giá tác động của quy định về thủ tục hành chính theo các tiêu chí sau đây: Sự cần thiết của thủ tục hành chính; Tính hợp lý của thủ tục hành chính; Tính hợp pháp của thủ tục hành chính; Các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Nghị định số 63/2010/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, kiểm soát thủ tục hành chính phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính; bảo đảm điều phối, huy động sự tham gia tích cực, rộng rãi của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào quá trình kiểm soát thủ tục hành chính.

Đồng thời, kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung thủ tục hành chính cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế; bảo đảm quy định thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

Việc kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện ngay khi dự thảo quy định về thủ tục hành chính và được tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

H.L

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.