![]() |
Ảnh minh hoạ |
Hỏi:
Khách hàng có thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (nhà xưởng sản xuất) cho ngân hàng để vay vốn. Tại thời điểm thế chấp, giá trị ước tính của tài sản là 10 tỷ đồng. Nhưng sau khi hình thành tài sản, giá trị được định giá lại chỉ còn 8 tỷ. Khi ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, khách hàng đã đóng phí công chứng với giá trị tài sản là 10 tỷ. Vậy xin hỏi, với phụ lục hợp đồng với giá trị tài sản là 8 tỷ đồng, khách hàng của chúng tôi phải đóng phí công chứng là bao nhiêu?
(Nguyễn Hoài Thương, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Công chứng 2014, khi công chứng hợp đồng, giao dịch, ngoài phí công chứng, người yêu cầu công chứng còn phải nộp thù lao công chứng theo quy định.
Về phí công chứng, mức phí công chứng được quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP. Theo đó, đối với hợp đồng thế chấp tài sản thì phí công chứng được tính dựa trên giá trị tài sản, trường hợp trong hợp đồng thế chấp tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay.
Như bạn thông tin, hợp đồng thế chấp không ghi rõ khoản vay thì phí công chứng được tính trên giá trị tài sản. Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTPquy định mức phí “Công chứng việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch (trừ việc sửa đổi, bổ sung tăng giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch thì áp dụng mức thu theo quy định tại khoản 2)” là 40 nghìn đồng. Do việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp của bạn là giảm giá trị tài sản nên mức phí công chứng theo quy định là 40 nghìn đồng.
Về thù lao công chứng, Điều 67 Luật Công chứng 2014 quy định: “1. Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.
UBND cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do UBND cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình. Tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về thù lao công chứng”.
Như vậy, mỗi tổ chức hành nghề công chứng có thể ban hành mức thù lao công chứng phù hợp, không vượt quá mức trần thù lao do UBND cấp tỉnh quy định. Mức thù lao công chứng được niêm yết công khai tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Đỗ Phương
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-dinh-ve-chi-phi-cong-chung-170868.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.