Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh

Hỏi: Cuối tuần vừa rồi tôi có đưa con xuống công viên gần nhà chơi. Tôi thấy có mấy người đem theo chó vào chơi cùng. Con tôi rất thích lại gần chơi cùng mấy con chó đó, tuy nhiên do chó không có rọ mõm và cũng không có xích giữ và có người dắt nên tôi thấy rất nguy hiểm. Xin hỏi việc đưa chó ra nơi công cộng mà không đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt như vậy có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?

(Chị Nguyễn Trà My, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội)

khi dua cho ra noi cong cong phai bao dam an toan cho nguoi xung quanh
Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo Phụ lục 15, Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quy định tại mục 2. Quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại như sau:

“2.1. Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi)

a) Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;

b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;

c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;

d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;

đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì chủ nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Nếu không thực hiện đúng các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh thì chủ nuôi chó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị Định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP, cụ thể:

" Điều 7. Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn...

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng".

Áp dụng khoản 2 Điều 4 Nghị định 90/2017/NĐ-CP mức phạt tiền quy định tại Điều 7 của Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt đối với mỗi chủ nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó hoặc hoặc xích giữ chó và có người dắt khi đưa ra nơi công cộng là 1.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Việt Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.