Báo PL&XH số 102 ra ngày 9-5-2012 có bài "Tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội: Vì xây dựng không phép, cố ý gây thương tích người tố giác" phản ánh vụ việc UBND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ vừa tổ chức cưỡng chế phá dỡ ngôi nhà bị cho là xây dựng trên đất lấn chiếm của gia đình ông Nguyễn Văn Long, trú tại thôn Công An, xã Hoàng Văn Thụ thì ngay sau đó, gia đình ông Cao Văn Ngọc, đã tập kết nguyên vật liệu đến và xây dựng công trình nhà ở trái phép ngay bên trong công trình của gia đình ông Long vừa bị cưỡng chế.
Đâu là sự thật?
Sáng 17-5-2012, PV đến UBND xã Hoàng Văn Thụ tìm hiểu vì sao UBND xã đình chỉ mà gia đình ông Ngọc vẫn tiếp tục xây dựng và xã “coi như không biết”. Sau khi PV xuất trình thẻ nhà báo, ông Trương Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã từ chối làm việc với lý do: PV phải có Giấy giới thiệu thì mới làm việc. Biết ông Cừ gây khó dễ, PV đã ôn tồn giải thích, đồng thời đặt lịch với ông Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ: "Nếu vậy, hẹn anh đúng 8h sáng ngày mai 18-5, tôi sẽ đem Giấy giới thiệu đến làm việc...". Hiểu rằng nếu không làm việc hôm nay thì sáng hôm sau vẫn phải làm nên ông Cừ miễn cưỡng trao đổi với PV. Ông Cừ cho biết: "Buổi sáng, chúng tôi cưỡng chế nhà ông Long thì ngay trong chiều hôm đó gia đình ông Ngọc đã tập kết vật liệu về để xây dựng. Ông Long có lên đây gặp tôi thông báo việc gia đình ông Ngọc xây dựng. Hôm đó là ngày nghỉ, tôi đã cho anh em nghỉ hết rồi. Tôi bảo ông Long cứ về đi. Tới đây, nếu gia đình ông Ngọc xây dựng sai thì sẽ xử lý. Sau đó, tôi cử cán bộ xuống đình chỉ gia đình ông Ngọc xây dựng trái phép. Nhưng lợi dụng mấy ngày nghỉ lễ, gia đình ông Ngọc đã tranh thủ "xây trộm". Vừa rồi, chúng tôi đã làm các thủ tục nhưng chưa báo cáo huyện(?). Về nguồn gốc đất thì ngay cả đất của gia đình ông Phỉ được cấp cũng không đúng luật. Trước đây, UBND xã cấp cho gia đình ông Phỉ là trái thẩm quyền. Khoảng năm 2008, gia đình ông Phỉ lại bán cho gia đình ông Ngọc, có xác nhận của UBND xã".
Trả lời câu hỏi: Đất được giao trái thẩm quyền, chưa có "sổ đỏ" tại sao xã lại xác nhận cho việc ông Phỉ và ông Ngọc mua bán? Ông Cừ nhanh nhảu trả lời: "Khi đó, tôi chưa làm Chủ tịch. Tôi mới làm Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ từ năm 2010".
Trước câu hỏi: Vì sao UBND xã đã đình chỉ nhưng gia đình ông Ngọc vẫn xây được nhà? Phải chăng việc đình chỉ của UBND xã chỉ là hình thức? Ông Cừ cho hay: "Vì gia đình ông Ngọc không muốn để gia đình ông Long chiếm lại đất, chắn mất mặt tiền, lối đi nhà mình". Và không hiểu ông Chủ tịch UBND xã nghĩ gì rồi hỏi lại PV: "Thế nhà các anh bị người khác xây chắn trước mặt, anh có chịu được không?" PV hỏi lại: "Như vậy, anh cho rằng việc gia đình ông Ngọc xây dựng là hợp pháp và UBND xã cưỡng chế phá dỡ nhà ông Long là để phục vụ cho gia đình ông Ngọc xây dựng?". Biết đã bị hớ, ông Cừ trả lời: "Làm gì có chuyện đó(?!)".
Khi được hỏi: Vậy từ sau ngày nghỉ 30-4, 1-5 đến nay, UBND xã Hoàng Văn Thụ đã có những biện pháp xử lý như thế nào đối với công trình trái phép của gia đình ông Ngọc? Nghe xong câu hỏi của PV, ông Cừ từ chối: "Các anh phải mang Giấy giới thiệu về đây thì tôi mới làm việc". Cuối cùng ông Chủ tịch UBND xã chốt buổi làm việc bằng câu: "Đã đến giờ tôi phải đi họp…(?)".
Công trình trái phép của gia đình ông Ngọc. Ảnh: Nhật Minh
Nhật Minh
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xay-dung-khong-phep-co-y-gay-thuong-tich-nguoi-to-giac-20960.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.