Hàng tháng, chợ đồ cũ Vạn Phúc thường họp vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch, tại quận Hà Đông, Hà Nội. Phiên chợ thu hút đông người, từ người bán, người mua và cả những người đến như một thói quen, niềm yêu thích.
![]() |
Nhiều người tới chợ đồ cũ để mua bán, trao đổi cả những đồ còn dùng được lẫn những đồ tưởng chừng... bỏ đi. |
Khu chợ nằm trên con đường toàn những ngôi nhà mới xây. Phần lớn các cửa hàng chuyên thu gom và bán các đồ đạc và vật dụng cũ. Đến đúng vào phiên chợ chúng ta có thể thấy bạt ngàn những sản phẩm đồ cũ ở các gian hàng, thậm chí cả các mảnh bạt vỉa hè ở những nơi có đất trống.
Ở đây cái gì cũng bán đủ cả. Cánh đàn ông có thể hứng thú với đồ gốm, đồng cổ, giả cổ,... thuộc các nền văn hóa khác nhau từ Đông sang Tây.
![]() |
Những mặt hàng được bầy bán ở đây khá đa dạng....gần như mọi thứ đều có thể tìm thấy ở đây. |
Đối với những người có chút kinh nghiệm khi mua đồ Nhật bãi cũng có thể tìm được rất nhiều thứ hữu ích ở khu chợ này. Bởi điều đặc biệt là chợ đồ cũ Vạn Phúc còn bán thêm nhiều đồ gia dụng của Nhật khá chất lượng.
![]() |
Tìm mua cho mình một món đồ đã qua sử dụng cũng là sở thích của nhiều người. |
Người mua có thể tìm được từ chiếc máy đánh bột, nồi cơm điện, đến máy xay, điều hòa, máy lọc không khí dạng nhỏ cho phòng ngủ của gia đình... Những món đồ gia dụng trong nhà có gì nếu ra chợ chịu khó tìm kiếm cũng sẽ thấy.
![]() |
Đặc biệt ở chợ này không hề có bảng giá, các mặt hàng đắt hay rẻ đều phụ thuộc thời gian, độ mới hay cảm tính của chủ hàng. |
Anh Minh (Đống Đa) đang lựa chọn một cây quạt thương hiệu Panasonic của Nhật Bản một cách tỉ mỉ, kỹ càng để mua về, theo anh Minh chia sẻ: “Những đồ gia dụng của Nhật bãi này thường có độ bền cao, chất lượng rất tốt nếu mình chịu khó tìm kiếm”.
![]() |
Tên gọi đầy đủ của chợ là Trung tâm Giao lưu sinh vật cảnh, đồ cổ, đồ xưa. |
Theo khảo sát, đồ bán tại chợ này có giá trải rất rộng. Có thể chỉ cần vài trăm ngàn là có thể tậu được món đồ ưng ý. Người bán ở đây nói khá thách, vậy nên người mua cần khéo léo mặc cả để có mức giá tốt nhất đối với sản phẩm mình đã lựa chọn. Ví dụ người bán có thể nói giá một chiếc gọng kính Pháp cổ là 4 triệu đồng nhưng khi mặc cả xong thì 1 triệu họ cũng bán.
![]() |
Chợ nằm trong khu vực gồm nhiều dãy phố ở sát ven đường Tố Hữu, các cửa hàng san sát được bày biện đơn giản, vào ngày phiên nhiều người trải bạt xuống vỉa hè để bày hàng. |
Chị Nguyệt, chủ một gian hàng bán đồ ở chợ cho biết: “Đối với người sành đồ cổ, đồ cũ, chợ đồ cũ Vạn Phúc là một địa điểm quen thuộc để thường xuyên lui tới. Đến chợ không chỉ là tìm chọn những thứ ưa thích, những món đồ dù lớn hay nhỏ ở chợ đều mang lại ít nhiều kỷ niệm cho những khách hàng lớn tuổi”.
![]() |
Đồ điện tử cũ như loa, amply, đầu video... được bày bán khá nhiều |
Được biết, trước đây chợ vốn là chợ cây cảnh của Hà Đông, cách đây vài năm xuất hiện vài gian đồ cũ, dần dần các cửa hàng nhiều lên và hình thành nhộn nhịp như ngày nay.
Dưới đây là những hình ảnh khác về khu chợ phiên đặc biệt này ở Thủ đô Hà Nội:
![]() |
Các mặt hàng ở đây rất đa dạng, từ đồ cũ, giả cổ, đến đồ mới, và đồ có tuổi đời đến cả trăm năm. |
![]() |
Từ các sản phẩm để trưng bày hay sử dụng, khách hàng đều có thể tìm thấy ở khu chợ này. |
![]() |
Khu chợ nằm giữa các dãy nhà mới xây. |
![]() |
Phần lớn các cửa hàng chuyên thu gom và bán các đồ đạc, vật dụng cũ. |
Nguyễn Đăng
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mot-lan-ghe-tham-cho-phien-do-cu-giua-long-ha-noi-211450.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.