Người trinh sát trẻ và những quyết đoán nhanh gọn

Là cán bộ trinh sát ở trại giam, nơi được ví như “xã hội thu nhỏ” cũng có nhiều hiểm nguy, ấy vậy mà Thượng úy Phan Văn Cường, cán bộ trinh sát, trại giam Tân Lập (Bộ Công an) vẫn cần mẫn với công việc của mình. Nhiều việc phức tạp, cũng như các đối tượng có biểu hiện chống đối, thực hiện hành vi vi phạm pháp trong buồng giam đã được Thượng úy Cường và các anh em trong tổ trinh sát phát hiện, bắt quả tang...

Thành công từ nguồn trinh sát...

Trinh sát là một công việc đối mặt với nhiều hiểm nguy, lần theo dấu vết tội phạm và tìm chứng cứ, đấu tranh đưa tội phạm ra ánh sáng. Và làm cán bộ trinh sát ở trại giam, nơi được ví như “xã hội thu nhỏ” cũng hiểm nguy chẳng kém, đặc biệt khi gặp nhiều đối tượng cộm cán lăm le trốn trại hoặc có biểu hiện chống đối, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật... Thế nhưng, với tuổi trẻ, lòng yêu nghề, hơn chục năm qua, Thượng úy Phan Văn Cường, cán bộ trinh sát, trại giam Tân Lập (Bộ Công an) vẫn làm công việc ấy với niềm say mê, không mệt mỏi.

Tâm sự với phóng viên, Thượng úy Phan Văn Cường cho biết, sau khi tốt nghiệp Học viện cảnh sát Nhân dân, anh được điều động về công tác tại Trại giam Tân Lập. Với nhiệm vụ nắm bắt tâm lý, di biến động của phạm nhân, đấu tranh và khai thác thông tin, những biểu hiện lệch chuẩn, vi phạm pháp luật cũng như nội quy trại giam của phạm nhân.

“Với nhiệm vụ ấy, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của cấp trên và vận dụng có hiệu quả vào thực hiện công tác chuyên môn, luôn chú ý đảm bảo các nguyên tắc trong công tác. Vì vậy, đã kịp thời nắm bắt các di biến động của phạm nhân, đấu tranh khai thác thu thập được các thông tin để chủ động phát hiện, ngắn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm của phạm nhân...”, Thượng úy Phan Văn Cường chia sẻ.

Thượng úy Phan Văn Cường phát huy sức trẻ, lòng yêu nghề, để tiếp tục lặng thầm cống hiến, giữ gìn an ninh, an toàn cho các trại giam
Thượng úy Phan Văn Cường phát huy sức trẻ, lòng yêu nghề, để tiếp tục lặng thầm cống hiến, giữ gìn an ninh, an toàn cho các trại giam

Vào khoảng 9g30 ngày 24-1-2017, qua công tác trinh sát, Thượng úy Phan Văn Cường và đồng đội đã nhận được tin báo, tại buồng giam số 8, phân trại số 1 một số phạm nhân đang thực hiện hành vi vi phạm nội quy. Ngay lập tức, tổ công tác của Thượng úy Cường đã tiến hành kiếm tra hành chính, phát hiện bắt quả tang các phạm nhân Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Giang, Nguyễn Quang Hoàng (đội phạm nhân số 24) và phạm nhân Lê Anh Tuấn (đội 22) đang sử dụng một bộ bài chắn tự vẽ bằng giấy, để chơi bài ghi điểm. Cả 4 phạm nhân trên sau đó đã phải thi hành thêm bản kỷ luật của trại giam.

Hay ở một vụ việc khác, khoảng 10g30 ngày 17-5-2017, cũng qua nguồn tin trinh sát, Thượng úy Phan Văn Cường cùng tổ trinh sát đã nhận được thông tin phạm nhân đội 30 đang có hành vi vi phạm nội quy, có biểu hiện không bình thường. Phạm nhân này đang thi hành bản án hơn 21 năm trong trại giam về các tội Giết người, Cướp tài sản và Mua bán trái phép chất ma túy. Ngay lập tức, Thượng úy Phan Văn Cường cùng tổ công tác chặn đường kiểm tra, khi nam phạm nhân này đang trên đường đi lao động về. Kiểm tra tại chỗ, tổ trinh sát phát hiện, người đàn ông này đang để một con dao dưới dép của mình. Khai thác tại chỗ, phạm nhân này khai nhận tên là Đào Duy Thức, SN 1972, quê ở Bắc Lệnh, TP Lào Cai. Qua đấu tranh khai thác, Thức khai nhận đã giấu con dao ở trong đế dép, mục đích mang vào trại để sử dụng. Thức bị thi hành kỷ luật trong buồng giam.

“Lý và tình” luôn được gắn cùng nhau ở trại giam

Thượng úy Phan Văn Cường bảo rằng, với đa số phạm nhân khi lao động, cải tạo trong trại giam, được sự chia sẻ, bảo ban của cán bộ trong trại, họ đã hiểu và có ý thức vươn lên cải tạo, mong nhanh được về với gia đình, người thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều phạm nhân nằm trong diện cá biệt, phát sinh những tình huống vi phạm nội quy trại giam, thậm chí là dùng những vật dụng sắc nhọn, làm phương tiện để trốn trại và tấn công lại những ai có ý định ngăn cản mình.

Với kinh nghiệm của người làm trinh sát và công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, Thượng úy Phan Văn Cường cho biết, những phạm nhân “đặc biệt” đó, các anh sẽ dùng nghiệp vụ để theo dõi di biến động, để sớm phát hiện những biểu hiện tiêu cực, nhanh chóng đưa ra phương án giáo dục phù hợp.

“Ngoài chỉ ra cho họ cái sai của mình, chúng tôi còn phải ứng xử ra sao và nói chuyện thế nào để cho họ tâm phục, khẩu phục mà chấp hành. Ngoài những lúc áp dụng biện pháp nghiêm để răn đe, đôi lúc người cán bộ phải là người bạn, để phạm nhân có thể bày tỏ được tâm tư của mình. Từ đó, cán bộ có thể đưa ra những biện pháp, cũng như cách làm như thế nào đó để phạm nhân vừa nể phục lại vừa chấp hành tốt công việc của mình và như vậy ngày về của nhiều phạm nhân sẽ không còn xa...”, Thượng úy Phan Văn Cường tâm sự.

Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tâm huyết với nghề, Thượng úy Phan Văn Cường đã không nề hà bất cứ việc gì. Tham gia nhiệt tình các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao của đơn vị cũng như Công đoàn - Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... phát động. Bên cạnh đó, các hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện” hay “Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu” cũng được Thượng úy Phan Văn Cường tham gia nhiệt tình, hăng say, góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi trong toàn đơn vị...

Với những cống hiến không mệt mỏi, Thượng úy Phan Văn Cường đã nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã đạt danh hiệu Chiến sỹ vẻ vang hạng 3... Tập thể Trại giam Tân Lập nơi anh công tác luôn được đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt công tác an ninh an toàn trại giam. Những người làm công tác trinh sát như Thượng úy Phan Văn Cường và đồng đội của anh sẽ không nguôi lửa nhiệt huyết với nghề, để tiếp tục lặng thầm cống hiến, giữ gìn an ninh, an toàn cho các trại giam…

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.