Chứng khoán ngày 14/6: VN-Index bất ngờ đảo chiều giảm

Trạng thái giằng co tiếp diễn gần trọn phiên chiều, bất ngờ đợt ATC cả loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị “đánh sập” xuống giá đỏ, khiến VN-Index đang tăng 3,13 điểm đảo chiều thành giảm 5,04 điểm.
VN-Index bất ngờ đảo chiều giảm
VN-Index bất ngờ đảo chiều giảm.

Cho tới trước khi có biến động trong đợt ATC, độ rộng của VN-Index đã rất hẹp với 141 mã tăng/260 mã giảm. Như vậy hiện tượng xả đã xuất hiện trước và lan tràn trên sàn. Sau đợt ATC, độ rộng co lại thêm, còn 126 mã tăng/280 mã giảm. Cả chỉ số Midcap lẫn Smallcap đều giảm sâu hơn ở đợt ATC và đóng cửa mức thấp nhất ngày.

Điều đó cho thấy hiện tượng giảm ở trụ cũng dẫn tới sức ép gia tăng trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. HoSE có tới 111 cổ phiếu giảm quá 2% lúc đóng cửa và 55 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. VN30 chỉ có 7 mã giảm quá 1%.

Một điểm khá bất ngờ là các cổ phiếu vốn hóa lớn bị ép giá ở đợt ATC có thanh khoản không cao trong đợt này. MSN rơi từ 79.100 đồng xuống 78.000 đồng, giảm 1,02% so với tham chiếu nhưng là biến động -1,4% trong một lần giao dịch. VIC rơi từ 54.400 đồng xuống 53.800 đồng, giảm 0,55% so với tham chiếu tương đương biến động -1,2%. VHM vẫn còn tăng 0,53%, nhưng riêng ATC lại giảm tới 1,72%. BID, GAS, CTG, HPG đều sập giá ở mức độ khác nhau. Trừ HPG, các cổ phiếu này thanh khoản khá nhỏ.

VN30-Index đóng cửa giảm 0,43% so với tham chiếu, không quá mạnh và cũng chỉ có 7 mã rơi hơn 1%. Dẫn đầu là PDR giảm 4,24%, GVR giảm 2,72%, NVL giảm 2,56%, MWG giảm 2,21%. Tuy nhiên do giá suy yếu nhiều buổi chiều và hầu hết đóng cửa sát hoặc bằng giá thấp nhất ở đợt ATC nên biên độ giảm trong phiên khá rộng. Có tới 10 cổ phiếu tạo bull-trap trong ngày từ 2% tới 5%. Độ rộng VN30 đóng cửa còn 11 mã tăng/17 mã giảm.

Dù trượt giá và độ rộng không tốt nhưng nhóm blue-chips vẫn là nhóm khỏe nhất và nâng đỡ VN-Index chính. CTG, VPB, VHM, GAS, VCB là các cổ phiếu còn tăng, giảm thiệt hại cho chỉ số. Trái lại, nhóm Midcap giảm tới 0,67% và Smallcap giảm 1,13%. Đặc biệt Smallcap có số mã giảm giá nhiều gấp 3 lần số tăng.

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Ở phe tăng, tiêu biểu có CTG có thêm 1,41% giá trị, VPB tăng 1,28%, SHB tăng 2,45%. Với phe giảm, tiêu biểu là STB mất 1,42% giá trị, EIB giảm 1,86% và MSB giảm 1,53%. Các mã còn lại đa phần biến động trong biên độ hẹp, dưới 1%.

"Bộ tứ" cổ phiếu chứng khoán ghi nhận phiên giao dịch tương đối ảm đạm khi cả SSI, VND, HCM và VCI đều biến động dưới 0,3%. Tuy nhiên nhìn chung, cả nhóm chứng khoán có xu hướng diễn biến tiêu cực khi một số mã mất giá đáng kể như VIX giảm 2,75%, BSI giảm 1,22%, TVS giảm 1,25%, CTS giảm 2,07%, VDS giảm 1,22%.

Nhóm bất động sản ngập tràn sắc đỏ. Nhiều mã giảm khá sâu như NVL giảm 2,56%, DIG giảm 2,15%, PDR giảm 4,24%, SJS giảm 2,96%, CTD giảm 3,24%, ITA giảm 2,97%, CII giảm 2,85%, CRE giảm 3,85%, LCG giảm 2,27%, TCD giảm 3,45%, SZC giảm 2,2%; QCG, EVG thậm chí còn giảm kịch sàn.

Nhóm sản xuất chung cảnh ngộ. VNM giảm 0,74%, HPG giảm 1,28%, MSN giảm 1,02%, GVR giảm 2,72%, DGC giảm 1,91%, DHG giảm 1,43%, BMP giảm 4,35%, ANV giảm 2,71%, VHC giảm 2,1%... Sắc xanh le lói ở SAB, SBT, ACG nhưng mức tăng rất khiêm tốn.

Cổ phiếu bán lẻ cũng "rực lửa" khi MWG giảm 2,21%, PNJ giảm 0,68% và FRT giảm 0,32%.

Cổ phiếu năng lượng và hàng không phân hóa: GAS tăng 0,64%, PLX đứng giá tham chiếu còn POW và PGV giảm lần lượt 0,72% và 0,2%; VJC tăng 0,62% trong khi HVN giảm 1,48%.

Toàn sàn HoSE có 126 mã tăng giá, 51 mã đứng giá tham chiếu và 280 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức cao, đạt 15.155 tỷ đồng.

Chứng khoán ngày 12/6: Thị trường bật tăng trong phiên chiều
Chứng khoán ngày 13/6: VN-Index vượt mốc 1.120 điểm

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.