Những ai là người chỉ huy chữa cháy?

(PL&XH)-Khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

Theo Điều 37 của Luật Phòng cháy chữa cháy, Khoản 23 Điều 1 và Khoản 2 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy quy định:

1. Khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

2. Trường hợp tại nơi xảy ra cháy, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp thì người chỉ huy chữa cháy được quy định như sau:

a) Cháy tại cơ sở thì người đứng đầu cơ sở là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp người đứng đầu cơ sở vắng mặt thì đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy;

b) Cháy tại thôn thì trưởng thôn là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp những người này vắng mặt thì đội trưởng đội dân phòng hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy;

c) Cháy phương tiện giao thông cơ giới đang lưu thông thì người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp không có người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện thì người điều khiển phương tiện là người chỉ huy chữa cháy;

d) Cháy rừng nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng thôn tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Người đứng đầu đơn vị kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy;

đ) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.

Những ai có trách nhiệm chữa cháy?

Theo điều 3, Luật Phòng cháy chữa cháy: Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy.

Điều 30 quy định, khi phát hiện đám cháy biện pháp cơ bản nhất là huy động nhanh nhất các lực lượng, phương tiện để dập tắt; tập trung cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan…

Điều 22 Nghị định 79/2014 quy định, người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh biết, cho đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đơn vị cảnh sát phòng cháy và chữa cháy nơi gần nhất, chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện phục vụ chữa cháy.

Điều 22 của Nghị định này quy định người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy. Lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan khác có liên quan có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy. Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động bị mất, hư hỏng, nhà, công trình bị phá dỡ thì được bồi thường.

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi cản trở hoạt động của lực lượng và phương tiện phòng cháy và chữa cháy; không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền; không bảo vệ hiện trường vụ cháy theo quy định, không bố trí đường giao thông, vị trí tiếp cận tòa nhà... sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Nếu không tổ chức việc thoát nạn, cứu người hoặc chữa cháy; lợi dụng việc chữa cháy để xâm hại đến sức khỏe, tài sản hợp pháp của công dân và tài sản của nhà nước sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.

PV / tổng hợp

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.