Hiệu lực của quyết định tạm đình chỉ công tác

Hỏi: Ông X bị Uỷ ban nhân dân xã ra Quyết định tạm đình chỉ công tác từ ngày 01/10/2013 do phát hiện ông có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên sau 60 ngày xác minh làm rõ, Uỷ ban nhân dân xã đã có kết luận rằng ông X không có hành vi tham nhũng. Vậy quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông X còn hiệu lực không?

Trả lời:

Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 ra đời đã thể hiện rõ thái độ cương quyết của Nhà nước ta trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng. Để chi tiết hơn, ngày 17 tháng 6 năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở của Nghị định này, pháp luật quy định việc huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có kết luận không có hành vi tham nhũng.

Cụ thể, tại Điều 21 của Nghị định này quy định: trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận cán bộ, công chức, viên chức không có hành vi tham nhũng thì người đã ra quyết định phải huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Quyết định huỷ bỏ này được gửi cho cán bộ, công chức, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi tiếp nhận người chuyển vị trí công tác đến làm việc; cơ quan, tổ chức, cá nhân đã yêu cầu tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Như vậy, đối với trường hợp ông X, sau khi có kết luận ông X không có hành vi tham nhũng, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã M phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm thời đình chỉ công tác đã ban hành đối với ông X. Như vậy đồng nghĩa với việc quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với ông X không còn hiệu lực.

PV

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.