Chưa có đánh giá thực chất về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở

(PL&XH) - Chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở lần đầu tiên được đề cập đến tại Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 23-1-2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, theo phản ánh từ cơ sở, việc công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Theo TS. Nguyễn Xuân Lân, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là, khẳng định vị trí, vai trò của chuẩn tiếp cận pháp luật trong đời sống chính trị - pháp lý, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước và từng địa phương; tạo lập khung pháp lý để tăng cường hơn nữa các điều kiện, các biện pháp bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền được thông tin pháp luật, quyền được tiếp cận, sử dụng pháp luật; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, mà trước hết và chủ yếu là chính quyền cấp cơ sở trong thi hành pháp luật, thực thi công vụ, giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện và hỗ trợ phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ pháp lý, thông tin pháp luật, mạng lưới hỗ trợ pháp luật tại cộng đồng dân cư. Với ý nghĩa đó, Quyết định 09 đã thiết lập một Bộ công cụ với 8 tiêu chí và 41 chỉ tiêu cụ thể. Căn cứ vào Bộ công cụ này, chính quyền cơ sở và người dân có điều kiện tập trung đánh giá một cách có hệ thống, đồng bộ, toàn diện thực trạng tiếp cận pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm minh, thống nhất. Tuy nhiên, nội hàm các khái niệm “tiếp cận pháp luật”, “tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở” hiện vẫn chưa được phân tích làm rõ, ngoại trừ chỉ ra mục đích của việc đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Cần có đánh giá thực chất hơn về việc tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở. Ảnh: T.Hải

Thực tiễn triển khai, một số chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tế ở địa phương; thậm chí có sự trùng lắp, chồng chéo với bộ chỉ số về cải cách hành chính, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nông thôn mới dẫn tới khó khăn trong thống kê, đánh giá, chấm điểm. Đại diện Phòng Tư pháp huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - một trong những đơn vị được giao làm thí điểm đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cho biết, việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật theo các tiêu chí Quyết định 09 hầu như không đạt. Chẳng hạn để đánh giá chỉ tiêu số 19 trong Quyết định 09 quy định có thư viện xã, phường hay Bưu điện văn hóa xã, phường hoặc địa điểm thuận lợi do UBND xã, phường quản lý để phục vụ người dân khai thác miễn phí cơ sở dữ liệu qua máy vi tính. Song nhiều xã của Kiến Xương hiện chưa có thư viện, không có máy tính để khai thác, không có người hướng dẫn theo dõi nên không đánh giá được. Việc chấm điểm đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do vậy trên thực tế mới chỉ dừng lại ở việc chẩm điểm ở các đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, Hà Nội dù không phải là đơn vị thí điểm triển khai đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật nhưng với 30 quận, huyện, thị xã có trình độ dân trí, điều kiện kinh tế xã hội khác nhau thì một khi triển khai cũng sẽ rất phức tạp, khó khăn. Nhất là khi các tiêu chí chuẩn tiếp cận đưa ra trong Quyết định số 09 quá nhiều (41 tiêu chí), đòi hỏi người trong Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật phải có hiểu biết về tất cả các lĩnh vực này. Trước đó, việc thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đã khó thực hiện vì đòi hỏi phải có đủ chức danh của 12 cán bộ công tác tại 12 lĩnh vực như trong tiêu chí chuẩn tiếp cận.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc phân cấp thiếu hợp lý dẫn tới dồn việc cho cấp tỉnh, tạo thêm gánh nặng cho cơ quan tư pháp địa phương, thời gian đánh giá ngắn đã gây nhiều khó khăn, chưa có cơ chế rõ ràng để nâng cao trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc đánh giá, công nhận địa phương (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bởi vậy dễ trở thành hình thức, trùng lặp với việc đánh giá trên một số lĩnh vực khác, tạo gánh nặng cho chính quyền cấp cơ sở.

Khắc phục tình trạng trên, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, cần rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; trong đó sửa đổi Quyết định số 09 theo hướng xây dựng Bộ tiêu chí gọn nhẹ, cụ thể, bám sát yêu cầu quản lý Nhà nước, nhu cầu tìm hiểu và sử dụng pháp luật của người dân; đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng; quy trình, thời gian đánh giá phù hợp, đơn giản, thống nhất với việc đánh giá các bộ tiêu chí, chỉ số khác có liên quan và có thể sử dụng kết quả đánh giá chung. Đặc biệt cần bổ sung thêm tiêu chí đánh giá chỉ số hài lòng của người dân vào Bộ Công cụ. Theo GS,TS. Hoàng Thị Kim Quế, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, Bộ Công cụ hiện nay dù có đến 8 tiêu chí và 41 chỉ tiêu cụ thể nhưng lại chưa thấy có chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân về các quyết định của chính quyền địa phương, trong khi các văn bản pháp luật này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

T.Hải

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.