![]() |
Hà Nội triển khai thi hành Luật Thủ đô đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: Khánh Huy |
“Cú hích” cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Sau gần một năm được chuyển giao quyền quản lý từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội (tháng 11/2023), đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được tiếp tục xác định là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.
Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Phan Thị My cho biết, tính đến nay, diện tích đã giải phóng mặt bằng của khu là 1.459,33ha/1.586ha (đạt 92%) với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Bên cạnh đó, môi trường chính sách đặc biệt đã được thiết lập, thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Đã có 108 dự án đầu tư (bao gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển chưa được như kỳ vọng. Trong khu thiếu vắng những “ông lớn” công nghệ thế giới như Intel, Apple, NVIDIA… Cơ sở hạ tầng tuy đã được xây dựng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là về điện và viễn thông.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, để trở thành hạt nhân của khoa học và công nghệ Thủ đô, Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải có chiến lược bao trùm, tạo môi trường cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển hạ tầng thiết yếu, đô thị cho giới nghiên cứu, đô thị cho các nhà khoa học. Chính phủ và Hà Nội vẫn sẽ phải tiếp tục đầu tư hạ tầng để thực sự có những tiện ích cho đội ngũ lao động công nghệ cao. Có tiện ích mới thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những mục tiêu và động lực mạnh mẽ, quyết liệt hơn, để xứng đáng với tiềm năng và kỳ vọng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã và đang được áp dụng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được trao thêm nhiều cơ chế, chính sách mới có tính vượt trội tại Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, phân cấp ủy quyền mạnh mẽ cho Ban Quản lý khu để thực hiện cơ chế một cửa tại chỗ, từ đó giúp cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất, đơn giản nhất; dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao của thành phố được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật; giao HĐND thành phố quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao; phát triển nhà ở cho người làm việc trong khu công nghệ cao.
Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký Công văn số 58/UBND-NC ngày 8/1/2025 về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Theo đó, để triển khai thi hành Luật Thủ đô đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn Thành phố, gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chị thị số 37-CT/TU, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố khẩn trương tổ chức quán triệt Chỉ thị số 37-CT/TU; phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô, các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đến các cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên, sâu, rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân ở cơ sở.
Làm tốt công tác tham mưu UBND Thành phố phối hợp với các cơ quan Trung ương để triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của Chính phủ; Chủ động, khẩn trương tham mưu xây dựng các văn bản để triển khai thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND Thành phố theo Kế hoạch đã đề ra, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trình tự, thủ tục ban hành văn bản theo quy định.
Căn cứ Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương, chủ động thực hiện rà soát, đề xuất việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ thống quy hoạch các cấp, ngành, lĩnh vực của Thành phố; trong đó, chú trọng đến quy hoạch phát triển các thiết chế, mô hình đã được quy định trong Luật Thủ đô.
Sở Nội vụ tham mưu UBND Thành phố rà soát về tổ chức, bộ máy của UBND Thành phố, UBND cấp huyện, xã, biên chế cán bộ, công chức, viên chức; triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố theo chỉ đạo của Trung ương và quy định của Luật Thủ đô; việc bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo hợp đồng và chi thu nhập tăng thêm theo quy định của Luật Thủ đô và các nghị quyết của HĐND Thành phố.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án về phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật Thủ đô; trọng tâm là các lĩnh vực: tài chính - ngân sách, đầu tư, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, vệ sinh, môi trường; bảo đảm phù hợp với chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp, tinh gọn.
Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo rà soát hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi ngân sách; định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước trong các lĩnh vực để ban hành các quy định theo thẩm quyền được giao tại Luật Thủ đô, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách của Thành phố, theo định hướng chỉ đạo của Trung ương.
Sở Tư pháp chủ trì tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô theo kế hoạch, danh mục đã ban hành.
Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô đến cán bộ, công chức, viên chức các cấp và Nhân dân Thủ đô trong đợt cao điểm đầu năm 2025 và trong thời gian tiếp theo,…
Thế Hùng
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-trien-khai-thi-hanh-luat-thu-do-dong-bo-hieu-luc-hieu-qua-406587.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.