Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tháng 1/2025 tăng

Theo Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố tháng 1/2025 tăng 0,51% so với tháng trước, trong đó có 10/11 nhóm hàng CPI tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tháng 1/2025 tăng
Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tháng 1/2025 tăng 0,51%. Ảnh: PV

Trong đó, dẫn đầu trong sự tăng trưởng là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch với mức tăng 0,74%, đóng góp 0,04% vào CPI chung. Tiếp theo là nhóm giao thông, tăng 0,73%, chủ yếu do giá xăng tăng 1,85% và dầu diesel tăng 4,99%, tác động làm CPI tăng thêm 0,07%.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng tăng trưởng 0,72% (tác động làm tăng CPI chung 0,15%) do sản lượng tiêu thụ điện, nước tăng bên cạnh đó giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,19%. Với thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng mạnh, cụ thể: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57% (tăng 0,18% vào CPI chung), trong đó, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,86%, thực phẩm tăng 0,48%, và lương thực tăng 0,41%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,54% (tác động làm tăng CPI chung 0,01%).

Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ như: May mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,34%), thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,31%), thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,06%); nhóm giáo dục cũng có mức tăng nhẹ 0,04%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,64%. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm nhẹ 0,07%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2025 tăng 3,09%. Các nhóm tác động nhiều đến sự tăng trưởng chung là: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 19,91% (tác động làm CPI tăng 1,02%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,37% (tác động làm CPI tăng 1,3%) do giá nước sạch tăng 11,94%, giá điện tăng 6,67% và giá nhà thuê tăng 6,75%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,27% (tác động làm CPI tăng 1,02%) do giá lương thực tăng 6,1% (trong đó giá gạo tăng 7,91%); thực phẩm tăng 2,26%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,9%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 3,87% (tác động làm CPI tăng 0,19%).

Các nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ tác động không nhiều đến CPI chung là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,22%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,79%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,69%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,68% chủ yếu do giá vàng cao dẫn đến giá đồ trang sức tăng 34,01%, bên cạnh đó dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 29,98%.

Ở chiều ngược lại, có 3/11 nhóm hàng CPI giảm so với cùng kỳ là nhóm giáo dục giảm 7,69%, bưu chính viễn thông giảm 1,06% và nhóm giao thông giảm 0,38%.

Cũng trong tháng 1/2025, chỉ số giá vàng trên địa bàn Thành phố tăng 0,97% so với tháng trước và tăng 34,18% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, tỷ giá đô la Mỹ tháng 1/2025 ghi nhận mức tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 3,92% so với cùng kỳ năm trước.

CPI tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước
Chỉ số giá tiêu dùng Hà Nội tháng 8/2024 tăng nhẹ 0,07%
Hà Nội: chỉ số giá tiêu dùng quý III/2024 tăng gần 4%

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.