Trục lợi từ buôn bán thực phẩm chức năng: dấu hiệu cơ bản của hành vi vi phạm pháp luật hình sự

Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng tăng, điều này vô tình trở thành miếng mồi béo bở để các đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Trần Thị Thu Phương và Nguyễn Mạnh Trường bị bắt giữ vì trục lợi từ buôn bán thực phẩm chức năng tại cơ quan Công an. Ảnh: CACC
Trần Thị Thu Phương và Nguyễn Mạnh Trường bị bắt giữ vì trục lợi từ buôn bán thực phẩm chức năng tại cơ quan Công an. Ảnh: CACC

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước với chiêu trò núp bóng các công ty gọi điện tư vấn, thổi phồng tác dụng điều trị bệnh của các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm để lừa người bệnh mua các gói liệu trình với giá trị cao gấp nhiều lần giá trị thật của sản phẩm.

Cầm đầu đường dây này là vợ chồng Trần Thị Thu Phương (SN 1996) và Nguyễn Mạnh Trường (SN 1992), trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Theo đó, vợ chồng Phương, Trường thành lập Công ty TNHH NTA Group, địa chỉ tại số 442 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Quá trình hoạt động, Phương liên tục thành lập các công ty chi nhánh tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước với đăng ký kinh doanh buôn bán các thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, các đối tượng lại hoạt động theo hình thức lừa đảo để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Với kịch bản có sẵn, nhân viên các công ty này sẽ giả danh bác sĩ hoặc nhân viên của các trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều trị nám da, tiểu đường, xương khớp, gan, tóc, dạ dày... gọi điện hỏi thăm tình hình bệnh của khách hàng rồi chào mời mua các liệu trình điều trị bằng sản phẩm của Công ty NTA. Các gói liệu trình chính là các hộp thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoàn toàn không có tác dụng trị bệnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã kiểm tra, sàng lọc có tổng cộng 11.979 mã đơn hàng đã giao dịch thành công, liên quan đến 7.402 khách hàng (bị hại) thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Công an tỉnh Nam Định đề nghị ai là bị hại trong vụ án, bị lừa theo phương thức thủ đoạn như trên hãy đến Phòng Cảnh sát hình sự trình báo để phục vụ công tác điều tra hoặc liên hệ trực tiếp điều tra viên Vũ Mạnh Thưởng (Số điện thoại: 0945.701.807).

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, vấn đề quản lý và xử phạt quảng cáo sai sự thật về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt theo Điều 193, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Trong trường hợp hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt cao nhất với mức tù chung thân với cá nhân hoặc phạt đến 18 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm với pháp nhân thương mại phạm tội.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, với các mức phạt tù áp dụng với các cá nhân thì còn áp dụng các hình thức phạt bổ sung như phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Có thể thấy rằng, chế tài xử phạt đã có đủ sức răn đe đến các đối tượng là cá nhân vi phạm.

“Tuy nhiên, đối với mức xử phạt áp dụng với các pháp nhân thì có thể mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bởi vì trên thực tế có thể thấy, vi phạm quy định này phần lớn vẫn là do chủ thể là các pháp nhân, số lợi bất chính thu được từ hành vi này là rất lớn. Chính vì vậy, nhiều pháp nhân vẫn bất chấp vi phạm để thực hiện hành vi đó”, luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng đề nghị cần có thêm các chế tài mạnh hơn để răn đe hành vi phạm tội kể trên. Không chỉ xử phạt về mặt kinh tế mà còn cần mạnh tay hơn xử lý chế tài hình sự. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần nêu cao cảnh giác trong lựa chọn và tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

“Ngoài ra, nếu có hành vi đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, các đối tượng thể có thể bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, với chế tài phạt tù cao nhất là chung thân”, luật sư Nguyễn Hồng Thái viện dẫn.

Sự thật về cặp vợ chồng mở công ty kinh doanh thực phẩm chức năng
Kiểm soát thực phẩm chức năng: hướng đến an toàn cho người tiêu dùng
Hiểu đúng để phòng tránh quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.