Nhu cầu cấp thiết về hệ thống hỗ trợ đăng ký kinh doanh

Quý I/2025, Hà Nội ghi nhận 4.745 hồ sơ đăng ký kinh doanh, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2024. Số liệu này phản ánh môi trường kinh doanh tại Hà Nội có thể đang đối mặt với những thách thức nhất định. Rào cản này có thể đến từ kinh tế, chính sách, đến xu hướng thị trường. Đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một hệ thống hỗ trợ đăng ký kinh doanh hiệu quả để đáp ứng lượng lớn DN mới.
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất nhôm định hình chất lượng cao của Nhà máy Nhôm Đông Anh. Ảnh Licogi
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất nhôm định hình chất lượng cao của Nhà máy Nhôm Đông Anh. Ảnh: Licogi

Đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 30.000 DN mỗi năm

Hà Nội đặt mục tiêu thành lập mới 150.000 DN trong giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 30.000 DN mỗi năm. Mục tiêu này cho thấy Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 6,95% trở lên, từ đó gia tăng mức đóng góp vào GRDP. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô tăng mạnh cho thấy đơn hàng xuất khẩu gia tăng.

Đây cũng là điều kiện quan trọng để DN thúc đẩy sản xuất, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều đó có nghĩa, muốn đạt tăng trưởng kinh tế cao, sản xuất công nghiệp sẽ phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ. Theo nhận định của các chuyên gia, trong những năm còn lại (từ nay đến 2030), GRDP trung bình phải đạt 10% thì mới đạt tăng trưởng 8,5% cho giai đoạn 2021-2030 (theo quy hoạch phát triển TP). Đây là mục tiêu đầy thách thức và áp lực với Hà Nội.

Cũng theo Sở Công Thương, TP Hà Nội sẽ lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Ngoài ra, TP tiếp tục kết nối, hỗ trợ DN công nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước… Các hoạt động hỗ trợ DN phát triển sản xuất hướng đến việc thúc đẩy ngành công nghiệp tăng tốc, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2025 TP đặt mục tiêu tăng trưởng là 8%, trong bối cảnh mới còn nhiều thách thức, đây là một bài toán lớn đặt ra cho TP. Lịch sử của Hà Nội đã có những giai đoạn tăng trưởng hơn 8%, trong đó cao nhất năm 2022 là 8,29%, đóng góp tích cực cho tăng trưởng cả nước.

Hiện nay, Hà Nội vẫn còn dư địa phát triển như: nguồn lực, cơ chế, ngoài ra TP còn có thêm Luật Thủ đô 2024 và 2 quy hoạch lớn... Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn những hạn chế và cần thêm lời giải để góp phần tăng trưởng năm 2025 hơn 8%, tạo đà bước vào giai đoạn mới với tham vọng 10% là bài toán lớn.

Công nhân tại phân xưởng gia công cơ khí của Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi. Ảnh: Licogi
Công nhân tại phân xưởng gia công cơ khí của Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi. Ảnh: Licogi

Giải pháp thực hiện những mục tiêu

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Vân cho rằng, thời gian tới, các cấp, ngành TP cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn nhằm gia tăng năng lực sản xuất. TP nên tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang xây dựng các tổ hợp nhà máy ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành hạ tầng…

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đình Cung cho biết, tăng trưởng GRDP của Hà Nội luôn cao hơn cả nước, trừ năm 2024, nhưng chưa vượt trội. 14 năm qua, có 3 năm tăng trưởng trên 8% (2015 là 8,07%, 2019: 8,13%, và 2022: 9,37%). Như vậy, tăng trưởng GRDP 8% trở lên đã từng đạt được. Tuy vậy, tăng trưởng GRDP đang giảm dần, trung bình 2011-2015 đạt 7,35%; 2016-2020 là 7% và 2021-2024 là 6,44%.

Trong 6 năm còn lại, trung bình phải đạt 10% thì mới đạt tăng trưởng 8,5% cho giai đoạn 2021-2030 (theo quy hoạch phát triển TP). Đây là mục tiêu đầy thách thức và áp lực với Hà Nội. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo/GRDP của Hà Nội là rất thấp, duy trì ở mức khoảng 15% từ 2012 đến nay; trong khi đó, đầu tư vào ngành này/tổng đầu tư xã hội lại giảm, hiện chỉ chiếm hơn 9%...

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế Hà Nội tương tự như quốc gia, đã phát triển cơ cấu hậu công nghiệp, khi dịch vụ chiếm đến 66% GRDP; công nghiệp và xây dựng chỉ 21%, trong đó, đặc biệt công nghiệp chế tạo chỉ chiếm khoảng 15%. Cơ cấu kinh tế hiện nay đang thực sự là rào cản lớn đối với tăng trưởng cao trong giai đoạn tiếp theo. Tỷ trọng đầu tư xã hội của Hà Nội/GRDP ở mức rất cao (gần 39%, so với cả nước khoảng 34%), và tốc độ tăng đầu tư cũng khá cao trong suốt 10 năm qua. Như vậy, số vốn đầu tư Hà Nội huy động được là rất lớn, nhưng hiệu quả đầu tư lại rất thấp.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế, như: đầu tư nhà nước còn rất lớn, chiếm khoảng 38% tổng vốn đầu tư; khu vực tư nhân chiếm khoảng 56%; tỷ trọng FDI (đầu tư nước ngoài) tương đối thấp; vốn FDI đăng ký mới vào Hà Nội từ 2020 đến nay đều rất thấp, so với Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng...

Bàn về giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, ông Nguyễn Đình Cung cho hay, về giải pháp trước mắt TP cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Các đơn vị của TP phối hợp, thúc đẩy giải ngân đúng, đủ vốn đầu tư T.Ư trên địa bàn Hà Nội, hoàn thành đúng hạn các dự án đầu tư tương ứng do T.Ư quản lý. Đặc biệt tháo gỡ ngay các vướng mắc pháp lý cho các dự án, giải phóng nguồn lực đang “đọng chết”, tạo sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế TP...

Về giải pháp trung và dài hạn, TP cần đầu tư phát triển hạ tầng và thông minh hoá chế độ quản lý, giải quyết cơ bản tắc nghẽn giao thông đô thị; thông minh hoá hệ thống giao thông đô thị. Sớm triển khai đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đô thị đã xác định trong quy hoạch phát triển Hà Nội 2021-2030, tầm nhìn 2050; gồm cả các dự án do T.Ư quản lý trên địa bàn Hà Nội...

TP Hà Nội đề xuất thiết lập “làn xanh” cho các hồ sơ đăng ký kinh doanh thuộc nhóm ưu tiên, nhằm hỗ trợ nhanh các DN có tiềm năng đóng góp lớn vào GRDP. Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội cho biết, sẽ thí điểm xây dựng hệ thống đa kênh, hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực thành lập DN trên địa bàn TP. Trung tâm này cho biết, Đề án sẽ tận dụng các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn để tối ưu hóa quy trình đăng ký kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý và hỗ trợ DN.
Gỡ bỏ rào cản, tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững
Hà Nội: thí điểm cơ chế "làn xanh", hỗ trợ doanh nghiệp để tăng trưởng GRDP trên 8%

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.