![]() |
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá II, Gia Lâm. Ảnh Thanh Hải |
Cơ chế đặc thù về phát triển nhà ở xã hội
Chia sẻ cơ chế đặc thù về chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong Luật Thủ đô 2024, PGS. TS Nguyễn Văn Quân cho biết, Luật Thủ đô 2024 thiết lập một khung pháp lý đặc biệt và toàn diện cho Thủ đô Hà Nội, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển đặc thù, vị thế quan trọng và những thách thức riêng biệt của một đô thị Thủ đô. Luật này không chỉ điều chỉnh các khía cạnh về tổ chức chính quyền mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Cụ thể, Luật Thủ đô 2024 quy định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phát triển NƠXH phải được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan cùng một thời điểm; nhưng việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải được thực hiện trước, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết phát triển NƠXH (điểm a khoản 2 Điều 29 Luật Thủ đô 2024).
Việc cho phép thực hiện đồng thời hai hoạt động này sẽ rút ngắn thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và lập đồ án quy hoạch chi tiết theo tuần tự trước sau, nhờ đó giúp đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH, tăng nguồn cung NƠXH trên địa bàn Thủ đô, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Luật giao quyền cho HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách TP để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng NƠXH độc lập nhằm bảo đảm chất lượng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các dự án khu NƠXH độc lập, qua đó bảo đảm tốt nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân tại các khu NƠXH này (điểm b khoản 2 Điều 29 Luật Thủ đô 2024).
Luật quy định trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở thì UBND TP quyết định thu hồi đất nhà chung cư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi có từ hai phần ba tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi ranh giới dự án trở lên đồng thuận.
Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục được phân chia và chi trả cho từng chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất (khoản 3 Điều 29 Luật Thủ đô 2024). Quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để TP Hà Nội thực hiện có hiệu quả việc quản lý, cải tạo nhà chung cư, đồng thời, có cơ chế mạnh mẽ hơn để xử lý những bất cập trong thực tiễn liên quan đến cải tạo nhà chung cư hiện nay.
Về quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án phát triển nhà ở, nhà lưu trú: Luật giao quyền HĐND TP quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án phát triển nhà ở, nhà lưu trú bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn TP (khoản 4 Điều 29 Luật Thủ đô 2024).
"Như vậy, Luật Thủ đô 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một khung pháp lý riêng, trao quyền tự chủ, quy định trách nhiệm đặc thù và tạo động lực phát triển cho Thủ đô Hà Nội, đồng thời giải quyết các vấn đề đặc thù và điểm nghẽn thể chế, hướng tới xây dựng một đô thị hiện đại, bền vững và xứng tầm với vị thế Thủ đô của cả nước"- PGS. TS Nguyễn Văn Quân chia sẻ.
Nhà ở xã hội bảo đảm quyền có nơi ở của người dân
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Quân, nhà ở luôn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của con người, ngoài chức năng cơ bản là nơi trú ngụ, bảo vệ con người chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thì nhà ở còn có nhiều vai trò như là nơi nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo sức lao động, là nơi sản xuất, kinh doanh ... Ngoài ra, nhà ở cũng là một tài sản có giá trị lớn, có thể được sử dụng để buôn bán kiếm lời cho chủ sở hữu.
NƠXH giúp người lao động có thu nhập trung bình thấp và những đối tượng chính sách khác có cơ hội mua nhà, thuê nhà với giá rẻ, qua đó ổn định cuộc sống, bảo đảm điều kiện sinh hoạt và yên tâm lao động làm việc.
Bên cạnh đó, NƠXH giúp bảo đảm chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Bởi lẽ, NƠXH giúp tạo ra các cộng đồng dân cư lành mạnh, hạn chế hình thành các khu vực nhà ổ chuột không bảo đảm vệ sinh và các điều kiện sống cơ bản khác như sinh hoạt, học tập, an ninh, NƠXH bảo đảm quyền có nơi ở của người dân, giúp người dân an cư, lập nghiệp, đồng thời hạn chế được nguy cơ mất trật tự trị an xã hội và các loại tội phạm có thể xảy ra, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn vệ sinh, cháy nổ.
Để hiện thực hóa Điều 29 Luật Thủ đô 2024, HĐND TP, UBND TP đã ban hành các quyết định, kế hoạch giao các sở, ngành triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định một số chính sách và đầu tư xây dựng NƠXH độc lập. Cụ thể, cần quy định tỉ lệ NƠXH cho từng loại dự án hoặc diện tích đất dành cho NƠXH trong các khu đô thị mới quy hoạch và xây dựng. Cần có quy định mang tính chế tài đối với các DN không thực hiện quy định về xây dựng NƠXH.
Đồng thời, cần có chính sách về Quỹ cho NƠXH ở Thủ đô: nguồn Nhà nước, nguồn đóng góp của các DN khi xây dựng nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn TP, nguồn tiền của các DN chủ đầu tư các dự án có nghĩa vụ đóng do không tuân thủ các quy định về diện tích NƠXH tối thiểu trong mỗi dự án.
Luật Thủ đô 2024 nhằm tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Việc bảo đảm nhà ở cho các đối tượng chính sách và người có thu nhập thấp là một yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững và văn minh đô thị. Luật Thủ đô 2024, với mục tiêu tạo ra cơ chế đặc thù và tháo gỡ điểm nghẽn, được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy phát triển NƠXH tại Thủ đô trong thời gian tới.
Nếu các khu dân cư, thương mại, và dịch vụ được xây dựng xung quanh các trục giao thông công cộng như tàu, metro, xe buýt nhanh… sự kết nối giao thông được cải thiện, người dân có thể đi làm, tiếp cận các tiện ích từ khoảng cách rất xa trong thời gian rất ngắn. Khi đó chất lượng cuộc sống được nâng cao, cơ hội việc làm và cả cơ hội tiếp cận với quỹ NƠXH của người có thu nhập thấp cũng sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Phát triển NƠXH tại vùng ven như những khu vực xung quanh Vành đai 4, thậm chí sau này là Vành đai 5, nơi có quỹ đất dồi dào, sẽ giúp cho Hà Nội tạo lập được quỹ nhà đủ lớn để cân đối cung-cầu. Khi đó, giá nhà của các dự án thương mại cũng sẽ được điều chỉnh về mức phù hợp hơn với nhu cầu, khả năng chi trả của người dân Thủ đô. Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính |
Quản lý tốt nguồn lực đất đai để phát triển Thủ đô bền vững | |
Cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển khoa học, công nghệ |
Công Dũng
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-thu-do-2024-de-nguoi-thu-nhap-thap-an-cu-lac-nghiep-414619.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.