![]() |
Trong quý I/2025, nhiều ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Cục Thống kê. |
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024 tăng 5,9%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (quý I/2024 tăng 6,0%), đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.
Báo cáo của Cục Thống kê ghi nhận, chỉ số sản xuất quý I/2025 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gổm: Sản xuất xe có động cơ tăng 36,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,1%; sản xuất trang phục tăng 14,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 12,8%.
Cùng với đó, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa… tăng 11,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,6%; dệt tăng 9,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,6%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm, bao gồm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 1,1%; sản xuất đồ uống giảm 0,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước là: Ô tô tăng 81,5%; ti vi tăng 22,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,8%; quần áo mặc thường tăng 14,3%; linh kiện điện thoại tăng 12,0%; giày, dép da tăng 9,1%; thức ăn cho thủy sản tăng 7,4%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là: khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 12,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 2,4%; thép cán giảm 1,8%; điện thoại di động giảm 1,7%; sơn hóa học giảm 0,9%.
Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo báo cáo của Cục Thống kê cho thấy, quý I/2025 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 8,2%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2025 tăng 5,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 15,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2025 là 90,0% (bình quân quý I/2024 là 68,7%).
Báo cáo của Cục Thống kê cũng cho thấy, quý I/2025, cả nước có 36,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 356,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 228,2 nghìn lao động, giảm 4,0% về số doanh nghiệp, tăng 1,3% về số vốn đăng ký và giảm 14,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2025 đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay là 1.386,7 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 36,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2025 lên hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6 % so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong quý I năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 61,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 11,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,1%; gần 5,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,0%. Bình quân một tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nguyễn Đăng
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/san-xuat-cong-nghiep-quy-i2025-tang-cao-nhat-ke-tu-nam-2020-den-nay-414943.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.