Đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm

Tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân đang có đóng góp lớn trong tổng thể nền kinh tế, tuy nhiên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Nhân viên tập đoàn FPT giới thiệu sản phẩm công nghệ số đến với khách hàng. Ảnh: Phạm Hùng

Khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có liên quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2026 và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; hoàn thành trong tháng 4/2025; khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2025 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Mới đây, tại tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân do Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức, các đại biểu đã nghe Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN tư nhân và kinh tế tập thể - Bộ Tài chính Trịnh Thị Hương trình bày thông tin về định hướng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân đang được nghiên cứu để thể hiện tại Đề án phát triển kinh tế tư nhân.

Thảo luận tại phiên họp, các chuyên gia đồng thuận cho rằng, kinh tế tư nhân đang có đóng góp lớn trong tổng thể nền kinh tế, có phạm vi hoạt động rộng khắp trong mọi ngành nghề, trên mọi địa bàn, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên cương, hải đảo, góp phần cung ứng đủ hàng hóa, tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần đáng kể trong cơ cấu GDP.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ, kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những lý do cho tình trạng này là hệ thống pháp luật, chính sách còn bất cập, khiến DN tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực. Hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, không tiên liệu hết các vấn đề có thể xảy ra.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược T.Ư), cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ, có ưu đãi vượt trội để khuyến khích phát triển hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp sáng tạo, DN nhỏ và vừa.

TS Nguyễn Đình Cung cũng kiến nghị xây dựng khung khổ pháp lý tạo kênh huy động và tiếp cận vốn đầu tư trung và dài hạn (ngoài tín dụng), tiếp cận đất đai, nghiên cứu phát triển và công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân. Cải cách hoạt động tư pháp, rút ngắn tối đa thời gian, giảm tối đa chi phí, đảm bảo minh bạch, công bằng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro hình sự, để người dân và DN an tâm đầu tư.

Còn theo TS Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các cải cách đột phá trong thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh. Sửa đổi và đưa ra hướng dẫn chi tiết cụ thể việc tuân thủ các yêu cầu của pháp luật liên quan sao cho DN không cần phải xin phép các cơ quan liên quan nhằm loại bỏ cơ chế xin cho, từ đó giúp kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng.

Đặc biệt, cần chú trọng đến khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cho DN và loại hình kinh doanh mới, nhất là trong thời đại công nghệ số. TS Phùng Đức Tùng cho rằng cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN, quản lý hiệu quả vai trò và ảnh hưởng của DN tư nhân lớn trong nước, DN FDI và DN Nhà nước. Đồng thời, phải tạo động lực cho các DN tư nhân quy mô vừa và nhỏ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia nhập thị trường của DN mới, biến các DN vừa và nhỏ thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Đẩy mạnh đầu tư công

Tại Hội thảo về Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức vừa qua, PGS. TS Bùi Đức Thọ - Chủ tịch hội đồng Đại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị trong ngắn hạn, việc tăng tổng cầu là cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng, nhưng cần ưu tiên chính sách tài khóa thay vì chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô và an toàn tài chính.

Việc lạm dụng chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay có thể làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế. Do đó, bên cạnh các biện pháp kích thích tổng cầu, Chính phủ cần củng cố các chính sách bảo đảm tính ổn định tài chính và cải cách thể chế để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng tín dụng nên ở mức khoảng 16%, bảo đảm dòng vốn chảy vào sản xuất và hạn chế tín dụng rủi ro; tập trung vào việc củng cố hệ thống ngân hàng, tăng vốn điều lệ và kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Về chính sách tài khóa, cần thực hiện theo hướng nghịch chu kỳ, với trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư công và giảm thuế có mục tiêu. Công tác lập và chấp hành dự toán ngân sách cần được cải thiện để nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Bên cạnh đó, cần tối ưu cơ cấu chi tiêu, bảo đảm cân đối giữa đầu tư mới và duy tu hạ tầng. Chính sách phát triển động lực tăng trưởng mới đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế…

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Đặng Đức Anh khuyến nghị, cần tập trung cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho cả phía cung và phía cầu; thay đổi phương thức quản lý để tạo ra bộ máy Nhà nước kiến tạo phát triển. Đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền triệt để để địa phương được quyết, được làm, để thể chế thực sự đi vào cuộc sống và triển khai mạnh mẽ ở cấp cơ sở.

Hà Nội: tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân
Phải bảo đảm tính khả thi để thực hiện thành công mục tiêu 100 năm thành lập Đảng
Hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân: tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.