Luật Thủ đô 2024:

Tập trung đầu tư nguồn lực để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, đặc trưng của Hà Nội

Để Hà Nội đạt được định hướng cho nền nông nghiệp Thủ đô như Nghị quyết 15-NQ/TƯ đề ra, trước tiên, Hà Nội cần lựa chọn công nghệ và sản phẩm chiến lược để đầu tư phát triển.
Tập trung đầu tư nguồn lực để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, đặc trưng của Hà Nội
Làng hoa Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

Luật Thủ đô 2024 đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, phân quyền mạnh mẽ cho HĐND TP Hà Nội quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp; áp dụng ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao.

Điều 32 Luật Thủ đô 2024 về phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững; chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, nông thôn; phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được sử dụng đất kết hợp đa mục đích, được bố trí đất nông nghiệp sử dụng vào việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giáo dục trải nghiệm, du lịch sinh thái.

HĐND TP quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên trong các lĩnh vực giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với các hoạt động thương mại, dịch vụ; hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản; phát triển các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh tế tập thể, làng nghề, làng có nghề; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

HĐND TP quy định các nội dung hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan;

Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, loại công trình và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Đây được xem là hành lang pháp lý vững chắc, hứa hẹn tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.

Chuyển đổi số gắn với du lịch nông nghiệp

Theo GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp Thủ đô Hà Nội là 1 nền nông nghiệp đô thị đặc thù. Năm 2024, ngành NN&PTNT Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn thách thức, chịu hậu quả quả nặng nề bởi bão số 3 (bão Yagi). Nhưng vượt qua rất nhiều khó khăn, ngành đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội tăng 2,52% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 trong số các tỉnh, thành phố phía Bắc. Lần đầu tiên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội vượt ngưỡng 2 tỷ USD (đạt 2,024 tỷ USD). Hơn 400 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 46% giá trị sản xuất nông nghiệp; hơn 2.700 sản phẩm OCOP…

Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, định hướng cho nền nông nghiệp Thủ đô, Hà Nội tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc. Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan, Hà Nội cần ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, phát triển giống, chế biến sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo VietGAP, hữu cơ, gắn với du lịch nông nghiệp và liên kết chuỗi giá trị, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Để Hà Nội đạt được định hướng như mục tiêu đã đề ra, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan đề xuất, trước tiên, Hà Nội cần lựa chọn công nghệ và sản phẩm chiến lược của Hà Nội để đầu tư phát triển. Xác định các công nghệ và sản phẩm chiến lược trong nông nghiệp theo nguyên tắc phù hợp với thế mạnh của Học viện và nhu cầu thực tế của Thành phố trên cơ sở tham khảo mô hình, kinh nghiệm của các quốc gia như Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan…

Tập trung đầu tư nguồn lực (nhân lực, tài chính, hạ tầng) để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ: mang thương hiệu, đặc trưng của Hà Nội. Hướng đến phát triển theo chuỗi, hình thành doanh nghiệp spin-off và kết nối doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm. Cần chú trọng tam giác vàng: Thành phố - Doanh nghiệp - Trường Đại học (nhà khoa học) để phát triển thương mại hóa sản phẩm…

Ngoài ra, GS Nguyễn Thị Lan cũng đưa ra một số đề xuất hợp tác khác. Theo đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ TP Hà Nội xây dựng trung tâm cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu: xây dựng vùng nhân giống, sản xuất cây trồng tại Gia Lâm, xây dựng ngân hàng quỹ gen (Hanoi Biobank) đặt tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Môi trường và học viện xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Nông nghiệp và Môi trường đặt tại tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (hạt nhân nghiên cứu, đánh giá và phát triển công nghệ, thử nghiệm, hoàn thiện và chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ).

Hà Nội cùng với học viện phối hợp đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mới về lĩnh vực nông nghiệp; Giao học viện tổ chức quản lý duy trì, phát triển các nhóm nghiên cứu mới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và thương mại sản phẩm nông nghiệp Thủ đô.

TP Hà Nội đổi mới cơ chế đặt hàng, đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp: thay đổi phương thức, quan điểm đặt hàng, xét cấp đề tài. Rà soát những kết quả nghiên cứu nào có tiềm năng phát triển tốt thì tiếp tục đặt hàng đầu tư để ra đến sản phẩm cuối cùng và thương mại hóa phục vụ xã hội.

TP Hà Nội đặt hàng học viện về đào tạo các chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ, kỹ thuật, quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp cho TP. TP Hà Nội phối hợp cùng Đảng ủy khối và học viện trong việc phổ biến các chính sách ưu đãi cho khoa học công nghệ nông nghiệp và kêu gọi các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện các đặt hàng của TP.

Mục đích để nhằm huy động nguồn lực trí tuệ từ nhiều phía và thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo, góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững và có sức cạnh tranh cao.

GS Nguyễn Thị Lan khẳng định rằng, với vai trò là trường đại học trọng điểm quốc gia, nằm trên địa bàn Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng là đơn vị đồng hành, đóng góp tri thức và công nghệ vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp Thủ đô. Học viện cũng cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành của TP, để cùng xây dựng nền nông nghiệp Hà Nội hiện đại, sinh thái, văn minh – trở thành hình mẫu cho cả nước trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo.

Hà Nội: tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng Hà Nội: tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng
Hành lang pháp lý vững chắc để phát triển nông nghiệp Thủ đô Hành lang pháp lý vững chắc để phát triển nông nghiệp Thủ đô

Ngọc Dung

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.