![]() |
VN-Index giảm điểm sau 3 phiên tăng mạnh. Ảnh: Int |
Thị trường chứng khoán hôm nay chấm dứt chuỗi hồi phục mạnh mẽ trước đó. Dù có thời điểm, chỉ số chính vượt lên mốc tham chiếu trong phiên sáng, song áp lực chốt lời dâng cao nhấn chìm mọi nỗ lực. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm -13,65 điểm, về mức 1.227,79 điểm. Số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 334 mã giảm, có 47 mã giữ giá tham chiếu và 145 mã tăng giá.
Độ mở thị trường đảo chiều nhanh chóng, sắc đỏ quay lại áp đảo với 17/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên hôm nay là các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, dệt may, dầu… Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành ngược dòng thị trường bao gồm thép, đường, cảng biển, bất động sản dân cư…
Trong phiên hôm nay, chỉ số VN30 lại giảm -15,11 điểm, về mức 1.310,76 điểm. Trong rổ VN30, số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 23 mã giảm, chỉ có 1 mã giữ giá tham chiếu và 6 mã tăng giá.
Thanh khoản khớp lệnh thị trường gần như đi ngang, tăng nhẹ +6,3% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HOSE đạt 1.069 triệu cổ phiếu (+3,38%), tương đương 24.216 tỷ đồng (-0,10%) về giá trị giao dịch.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng giảm điểm. Trong đó, chỉ số HNX-Index giảm -4,76 điểm về mức 210,24 điểm; chỉ số UPCoM-Index giảm -0,73 điểm về mức 91,03 điểm.
Điểm tích cực của thị trường hôm nay đến từ giao dịch nhà đầu tư nước ngoài. Phiên nay, khối ngoại trở lại mua ròng với giá trị khoảng 103 tỷ đồng trên cả thị trường. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng gần 217 tỷ đồng. Chiều mua, cổ phiếu HPG được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị lên tới 246 tỷ đồng, MWG và VCB cũng được mua ròng lần lượt 175 tỷ và 101 tỷ đồng. Theo sau, VIC và VCG cũng được mua ròng từ 69-84 tỷ đồng. Ngược chiều, cổ phiếu VHM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 91 tỷ đồng, HCM bị bán ròng khoảng 84 tỷ đồng. Bên cạnh đó, loạt cổ phiếu khác bị bán ròng hàng chục tỷ đồng gồm có KBC (-75 tỷ đồng); GMD (-63 tỷ đồng); DGC (-53 tỷ đồng). Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại bán ròng khoảng 93 tỷ đồng.
Tình trạng chốt lời ngắn hạn đã có dấu hiệu xuất hiện trong phiên giao dịch trước đó, tuy nhiên áp lực chỉ thực sự gia tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay. Chỉ trong vòng 3 phiên khớp lệnh, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 150 điểm kể từ mức thấp nhất trong khi thông tin hỗ trợ tích cực không còn đủ kích thích dòng tiền tham gia. Phần lớn thời gian khớp lệnh phiên hôm nay chỉ số chìm trong sắc đỏ bất chấp nỗ lực kéo trụ từ nhóm cổ phiếu Vingroup, VCB.
Sức mua yếu đi đáng kể ở vùng giá cao, trong khi nhà đầu tư lại tranh thủ chốt lời khiến thị trường có phiên điều chỉnh trên diện rộng. Ở phía điều chỉnh hầu hết có mức giảm tương đối sâu trên 2%, tiêu cực hơn nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp quay lại với giảm sàn.
VN30-Index kết phiên giảm 1,14% trong khi nhóm cổ phiếu midcap giảm 1,79% và smallcap giảm 0,75%. Mức độ phục hồi ở nhóm cổ phiếu nhỏ lại có nhiều tín hiệu hơn. Tuy vậy về cơ bản là cổ phiếu hồi giá không theo nhóm ngành hay vốn hóa. Dòng tiền vẫn đang có nhiều lựa chọn khác nhau khi số cổ phiếu đỏ vẫn nhiều gấp 2,3 lần số tăng.
Toàn sàn HOSE vẫn còn tới 126 cổ phiếu giảm quá 2% giá trị. KBC đóng cửa ở giá sàn cùng với GVR, SZC, VTP, PVD, SIP và thanh khoản đều trên trăm tỷ đồng. Chứng khoán có SSI, HCM, VND, VCI, FTS giảm điểm với thanh khoản hơn 300 tỷ đồng mỗi mã. Bất động sản có DIG, DXG, PDR, TCH cũng không kém, giao dịch hàng trăm tỷ đồng.
Ở phía tăng, ngoài STB, MWG, HPG, thanh khoản cũng gia tăng mạnh mẽ ở số ít mã như VCG, GEX, HAH, GEE, CTD, HHV, HVN, HAG… Đây là những cổ phiếu có sức mạnh đi ngược thị trường từ sáng với thanh khoản khá lớn. Chiều nay tiếp tục nhận được dòng tiền vào nâng đỡ, giá thậm chí còn tốt hơn buổi sáng. Tuy vậy đây vẫn là những cổ phiếu cá biệt hơn là đại diện nhóm ngành.
Phú An
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-ngay-154-vn-index-giam-diem-sau-3-phien-tang-manh-415791.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.