Nguy cơ suy giảm viện trợ toàn cầu khi các nước phát triển cắt giảm ngân sách

Ngày 16/4, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước xu hướng cắt giảm viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nhiều quốc gia, khiến tổng viện trợ nước ngoài toàn cầu lần đầu tiên sụt giảm sau 6 năm tăng trưởng liên tục.
Nguy cơ suy giảm viện trợ toàn cầu khi các nước phát triển cắt giảm ngân sách
Nguy cơ về việc suy giảm viện trợ toàn cầu khi mà các nước phát triển đang tính tới việc cắt giảm chi tiêu. Ảnh: Getty

Theo báo cáo mới nhất của OECD, tổng viện trợ phát triển toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 212,1 tỷ USD, giảm 7,1% so với mức ghi nhận năm 2023. Đây là mức giảm đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển tiếp tục đối mặt với hậu quả của đại dịch, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu.

“Những tuyên bố cắt giảm ngân sách viện trợ gần đây từ các nước thành viên đang làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về triển vọng viện trợ phát triển trong tương lai. Chúng tôi đang phân tích sâu về tác động tiêu cực tiềm ẩn của xu hướng này”, OECD nhấn mạnh.

Dựa trên các ước tính ban đầu, OECD dự báo viện trợ nước ngoài toàn cầu năm 2025 có thể giảm thêm từ 9% đến 17%, một mức suy giảm đáng báo động nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Dù vậy, so với năm 2019 – thời điểm trước đại dịch COVID-19, tổng viện trợ toàn cầu hiện vẫn cao hơn gần 25%, cho thấy các nỗ lực hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn vẫn để lại dấu ấn nhất định. Tuy nhiên, đà giảm hiện tại có thể làm đảo ngược các thành tựu phát triển đã đạt được trong những năm gần đây.

Trong vài tháng qua, hàng loạt quốc gia phát triển – vốn là các nhà tài trợ hàng đầu thế giới đã công bố kế hoạch thắt chặt chi tiêu cho viện trợ nước ngoài. Đáng chú ý nhất là Mỹ, Anh và Pháp.

Đặc biệt, kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, chính quyền Mỹ đã cắt giảm tới 92% ngân sách dành cho chương trình viện trợ quốc tế của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Đây là động thái gây chấn động bởi USAID là cơ quan chịu trách nhiệm tới 42% viện trợ nước ngoài toàn cầu, với ngân sách thường niên lên đến 42,8 tỷ USD.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc thu hẹp quy mô viện trợ từ các nước giàu có thể khiến nhiều chương trình nhân đạo, y tế, giáo dục và biến đổi khí hậu ở các nước nghèo rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Việc cắt giảm viện trợ không chỉ ảnh hưởng đến các nước nhận hỗ trợ mà còn làm suy yếu các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc. OECD kêu gọi các quốc gia không nên xem viện trợ là “gánh nặng ngân sách”, mà cần nhìn nhận đây là đầu tư cho sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, khủng hoảng nhân đạo gia tăng và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, viện trợ phát triển chính thức cần được duy trì và tăng cường, nhằm bảo vệ những thành quả phát triển toàn cầu đã đạt được suốt nhiều thập kỷ.

Ba trọng tâm trong Chương trình hợp tác giữa các nước Đông Nam Á và OECD Ba trọng tâm trong Chương trình hợp tác giữa các nước Đông Nam Á và OECD
OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do rủi ro thuế quan OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do rủi ro thuế quan

Cao Kỳ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.