![]() |
Ban tổ chức tặng hoa các đại biểu tham gia tư vấn cho người lao động tại buổi đối thoại. Ảnh: N.M |
Tham dự buổi đối thoại có hơn 300 cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) huyện Gia Lâm. Cùng với đó là các chuyên gia giải đáp câu hỏi của cán bộ công đoàn, CNVCLĐ có: Phó Trưởng khoa An toàn lao động và Sức khoẻ nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn - tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi; Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia bảo hiềm xã hội (BHXH) Khu vực I Dương Thị Minh Châu; Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội - thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà.
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, những điều chỉnh mới đây trong chính sách BHXH đã mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao quyền lợi BHXH và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động trong việc tiếp cận các chế độ.
Đặc biệt, những điểm mới như chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện hay việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và giải quyết chế độ BHXH đang mang lại những chuyển biến tích cực, tạo sự minh bạch, tiện lợi và nhanh chóng…
Về an toàn lao động, ông Đinh Tuấn Anh cho biết thêm, chúng ta đang chứng kiến những cải cách mạnh mẽ trong các quy định pháp luật nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động. Các chương trình huấn luyện, giám sát an toàn lao động được triển khai rộng rãi, cùng với việc áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động. Đây là những bước tiến đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và các doanh nghiệp đối với người lao động.
![]() |
Đại biểu tham dự buổi đối thoại, giao lưu. Ảnh: N.M |
Tuy nhiên, những chính sách dù tốt đẹp đến đâu cũng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự đồng lòng, tích cực tham gia từ tất cả các bên liên quan. Vì thế, thông qua chương trình này, Ban Tổ chức mong muốn người lao động sẽ mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng, đóng góp ý kiến và chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, tôn trọng quyền lợi của người lao động.
Tại buổi đối thoại, chị Nguyễn Ngọc Thịnh, Trường Tiểu học Tiền Phong hỏi: “Khi tinh giản bộ máy mà người lao động bị mất việc thì có được hưởng chế độ BHXH gì không?”.
Bà Dương Thị Minh Châu - đại diện BHXH Khu vực I (Hà Nội) chia sẻ, khi tinh giản bộ máy, nếu người lao động là viên chức, người lao động thôi việc sẽ được hưởng chế độ thất nghiệp; nhưng nếu là công chức không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì không được hưởng trợ cấp này. Thay vào đó, công chức sẽ được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương để tìm kiếm việc làm và sau 1 năm dừng đóng BHXH, người lao động có thể thanh toán BHXH 1 lần nếu đủ điều kiện.
Về băn khoăn trong quá trình làm việc, người lao động phát hiện nguy cơ mất an toàn lao động thì cần ứng xử như thế nào, Phó Trưởng khoa An toàn lao động và Sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn - tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi thông tin, trong Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 có quy định rất rõ, người lao động có quyền rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động, đe dọa đến tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay với người quản lý trực tiếp sẽ vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động.
Tuy nhiên, luật cũng chưa có quy định rõ thế nào là các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Do vậy, để làm rõ được vấn đề này, trong doanh nghiệp phải có quy định khi nào thì chúng ta coi là đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và quy trình rời bỏ nơi làm việc khi phát hiện các nguy cơ mất an toàn như thế nào.
![]() |
Đoàn viên, người lao động huyện Gia Lâm tham dự buổi đối thoại, giao lưu. Ảnh: N.M |
“Tôi nghĩ rằng, tới đây, Luật An toàn vệ sinh lao động khi sửa đổi cũng phải làm rõ việc làm này” - tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi nhấn mạnh.
Cũng theo tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi, việc bảo đảm an toàn lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người lao động sẽ được chia ra làm nhóm lao động trong điều kiện bình thường và nhóm làm việc môi trường nguy hiểm, độc hại, hoặc cực kỳ độc hại.
Với nhóm làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại sẽ phải có chế độ, quan tâm hơn như chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; trang bị bảo hộ cá nhân; thời gian giảm so với những người làm việc trong môi trường bình thường. Còn đối với người lao động làm việc trong môi trường nghiêm ngặt, họ có thể được nghỉ hưu sớm hơn so với người làm việc trong môi trường bình thường.
Phiên đối thoại và giao lưu trực tuyến đã diễn ra hết sức sôi nổi với 30 ý kiến được đặt ra và giải đáp một cách thấu đáo. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của anh chị em công nhân, viên chức, lao động đối với các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và an toàn của mình.
![]() | Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn sử dụng chatbot AI an toàn cho cán bộ, công chức Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hướng dẫn một số nguyên tắc chung đối với công chức, viên chức và người lao ... |
Công Phương
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doi-thoai-giai-dap-nhieu-thac-mac-cua-nguoi-lao-dong-416015.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.