![]() |
Công an tỉnh Thanh Hoá phát hiện hàng tấn thuốc tân dược giả. Ảnh: Công an cung cấp |
Thuốc giả có thể khiến bệnh nhân tử vong
Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả hoạt động trên phạm vi toàn quốc, thu giữ gần 10 tấn thuốc và nguyên liệu giả thu lời bất chính lên tới 200 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 14 đối tượng.
Cụ thể, ngày 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng. Cầm đầu là Nguyễn Tiến Đạt (Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (TP Hồ Chí Minh), nhóm này đã sản xuất thuốc giả từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, rồi bán qua mạng xã hội với vỏ bọc là dược sĩ.
Qua khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hoá của các đối tượng trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, lực lượng Công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả với số lượng lớn.
Ngoài số thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, lực lượng Công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn. Các cơ sở sản xuất này tồn tại suốt 4 năm, nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành, hoạt động tinh vi, khép kín nhằm tránh bị phát hiện.
Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Quang Thành, Hội viên Hội Tim mạch TP Hà Nội cho biết, thuốc kê đơn là những loại thuốc chỉ được cấp phát và bán lẻ dựa trên đơn thuốc do bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn có Giấy phép hành nghề do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Tại sao lại là kê đơn, theo tiến sĩ, bác sĩ Tạ Quang Thành, thuốc kê đơn thường có tác dụng mạnh hơn thuốc không kê đơn và có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không được sử dụng đúng cách. Việc sử dụng thuốc kê đơn không đúng cách, không tuân theo chỉ dẫn hoặc có sự kiểm soát của nhân viên y tế có thể dẫn đến tương tác thuốc nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí gây tử vong.
Tuy nhiên, các loại thuốc kê đơn hiện đang bị làm giả với mức độ ngày càng tinh vi tại Việt Nam. Như năm 2024, Công an TP Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa) đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Các sản phẩm thuốc tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh như cefuroxim 500mg, cefixim 200mg, augxicine, panadol extra, panactol dạng vỉ nén, panactol…
![]() |
Các đối tượng sản xuất thuốc giả và tang vật bị thu giữ. Ảnh: Công an cung cấp |
Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Quang Thành cho biết, thuốc tân dược giả gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bởi kể cả thuốc sản xuất chính hãng vẫn có các tác dụng phụ, tuy nhiên bởi đã kiểm soát được do khi kê thuốc, nhân viên y tế đã nhận thức đầy đủ về tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, nên có căn cứ để kê đơn với liều lượng phù hợp khiến tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ giảm xuống. Nhưng với thuốc giả, do không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả nên tác dụng phụ có khả năng xảy ra thường xuyên.
Thuốc giả ở dạng gì, thì kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh đều thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí người bệnh tử vong. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi khi bệnh nhân dùng thuốc mà thuốc giả không chứa thành phần hoạt chất hoặc chứa các chất hóa học khác không có hiệu lực điều trị bệnh, sử dụng thuốc giả đẩy mạnh quá trình phát triển bệnh tật khi cả bác sĩ và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc.
Việc các cơ sở sản xuất thuốc giả do chui lủi, làm nhái nên không quan tâm đến vệ sinh, với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính gần như phải dùng thuốc suốt đời, nếu hoạt chất, thậm chí tá dược chứa trong thuốc kém chất lượng, không tinh khiết và lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Ngoài việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, tiến sĩ, bác sĩ Tạ Quang Thành còn cho biết, thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất, của các hãng dược phẩm chân chính, thậm chí bác sĩ, dược sĩ cũng bị nghi ngờ thiếu trách nhiệm hoặc thông đồng…
Hình phạt cao nhất của tội sản xuất, buôn bán thuốc giả là tử hình
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, căn cứ theo quy định của pháp luật, kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm. Thế nên, hành vi sản xuất thuốc giả là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nói trên thì có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 nêu rõ, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù thấp nhất là 2 năm và cao nhất là tử hình.
Thực tế, khung hình phạt việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên các đường dây thuốc giả vẫn tồn tại dai dẳng, đặc biệt trên không gian mạng. Luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, lợi nhuận từ việc sản xuất thuốc giả quá cao, nên mặc dù biết hậu quả nhưng nhiều đối tượng vẫn ngoan cố thực hiện với nhiều hình thức tinh vi. Ngoài ra, xét về khách quan, rào cản lớn không nằm ở khung luật mà ở năng lực thực thi, lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước về dược phẩm. Trước một vụ việc nghiêm trọng như vậy, các cơ quan có thẩm quyền không thể phủi bỏ trách nhiệm mà cần phải làm rõ và nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót trong quản lý và kiểm soát.
Vậy nên, để giải quyết vấn đề này, ngoài việc cần nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân, còn cần có giải pháp toàn diện. Khung pháp lý đã có, công nghệ đã sẵn, điều cần lúc này là sự hành động đồng bộ, quyết liệt và bền bỉ. Chỉ khi nào tất cả cùng lên tiếng và hành động, mới có thể từng bước đẩy lùi thuốc giả ra khỏi đời sống, bảo vệ tính mạng và niềm tin xã hội…
Sự thật bất ngờ bên trong Phòng khám đa khoa Bách Giai trên đường Giải Phóng | |
Cô gái trẻ tổn thương não do sử dụng thuốc giảm cân mua trên TikTok |
Minh Dương
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thuoc-gia-gay-anh-huong-den-suc-khoe-khien-nguoi-dan-mat-niem-tin-vao-nganh-y-duoc-416061.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.