Chủ động phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch

Trong bối cảnh sốt xuất huyết toàn cầu diễn biến phức tạp và mùa dịch tại Việt Nam sắp đến (từ tháng 5 đến tháng 11), Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động triển khai biện pháp phòng chống. Trọng tâm là ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6/2025), tăng cường truyền thông và huy động toàn xã hội tham gia diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch.
Số mắc sốt xuất huyết hàng năm có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11. Ảnh minh họa
Số mắc sốt xuất huyết hàng năm có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11. Ảnh minh họa

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, tình hình sốt xuất huyết trên thế giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, trong nước, thời điểm mùa dịch đang diễn ra, số mắc hàng năm có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11, nên công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng chống trước mùa dịch rất quan trọng.

Theo đó, để triển khai sớm các biện pháp phòng chống bệnh, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 15 (15/6/2025).

Chủ động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và triển khai các hoạt động thiết thực, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phát động học sinh tham gia dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ ổ chứa lăng quăng khu nhà ở và trường học; đánh giá tình hình dịch bệnh để đề xuất các biện pháp phòng bệnh chủ động.

Triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như: lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng/bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt...

Truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.

Đảm bảo cung ứng đủ thuốc để phòng chống dịch bệnh trong mùa Xuân - Hè
Hà Nội: hơn 400 ca mắc sởi và tay chân miệng trong tuần, xuất hiện ổ dịch ở trường học
Hà Nội: số ca mắc sởi tiếp tục tăng, ghi nhận ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2025

Mây Hạ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.