Luật Thủ đô 2024

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo

Hà Nội đang lấy ý kiến cho các dự thảo xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại – văn hóa để triển khai Luật Thủ đô 2024, nhằm tạo điều kiện phát triển Thủ đô. Theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 4 của HĐND TP, TP sẽ xem xét ban hành 2 nghị quyết này, tạo động lực phát triển Thủ đô trên nền tảng lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo

“Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa”

Phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa cần những bước đi phù hợp, chắc chắn

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, hiện nay, cùng với cả nước, Hà Nội đang đứng trước yêu cầu phát triển, tăng trưởng 2 con số và cần phát triển hơn nữa trong những năm tới. Để đạt được tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, Hà Nội cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo.

"Việc phát triển công nghiệp văn hóa không mới, nhiều nước trong khu vực đã phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... Tuy nhiên, với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi và thực tiễn cao", Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong điều kiện hiện nay, TP sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, TP đã ban hành Nghị quyết về liên doanh, liên kết, nhượng quyền… Đây là cơ sở để các đơn vị thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa theo hình thức này. TP sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (đầu tư công, quản trị tư), phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn lưu ý cần quan tâm đến quy hoạch chuyên ngành, tránh chồng chéo, để có thể huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia phát triển. Với vai trò định hướng, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ về công nghệ, truyền thông, hợp tác quốc tế và phát triển thị trường. Việc phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa cần được thực hiện theo lộ trình với những bước đi phù hợp, chắc chắn...

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng và chất lượng, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

“Để văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần sự tham gia của nhiều nguồn lực. Việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Chúng ta cần xây dựng một môi trường thuận lợi với những chính sách rõ ràng và cụ thể để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa bền vững nhằm phát triển văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả…”, tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khẳng định.

Trung tâm công nghiệp văn hóa - lực đẩy cho sự phát triển của Thủ đô
Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”. Ảnh: Bảo Hiếu

Xây dựng mô hình đặc sắc mang đậm nét văn hoá Hà Nội

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội cho rằng, cần gắn kết chặt chẽ và mạnh mẽ giữa quảng cáo và các lĩnh cực nghành nghề khác như: du lịch, điện ảnh, ẩm thực, di tích văn hoá, sản phẩm làng nghề…Cùng với đó, xây dựng mô hình cụ thể về quảng bá các khu phố cổ, phố đi bộ, khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, sông Hồng kết nối thành 1 chuỗi quảng bá văn hoá du lịch, xây dựng thành mô hình đặc sắc mang đậm nét văn hoá Hà Nội.

"Hiện nay, hồ Tây, sông Hồng chúng ta để im lìm, không xây dựng quảng cáo hình ảnh xứng tầm với quy mô và cảnh quan. Có thể quy hoạch tổ chức lại tuyến du lịch sông Hồng thành hệ thống quy mô mang nét văn hoá đặc trưng đồng bằng sông Hồng nói chung và Hà Nội nói riêng. Hiện nay, chỉ tồn tại quy mô nhỏ lẻ, manh mún trong khi khách quốc tế có sự quan tâm lớn đến nét văn hoá đặc sắc này, còn khách nội địa đáng tiếc ít quan tâm đến vì ít được quảng cáo truyền thông.

Tuyến hồ Tây cũng có thể khôi phục lại tuyến du thuyền trên hồ sao cho hài hòa giữa mục đích du lịch và môi trường, tạo hình ảnh quảng cáo đẹp nổi bật của Hà Nội tới các du khách đến với Thủ đô bằng cách hình thức quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên không gian số, mạng xã hội,...", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, xây dựng và phát triển các khu vực trung tâm giao lưu văn hoá kết hợp thương mại đặc trưng của từng quận, huyện, dựa trên những nét đặc sắc của mỗi nơi. Ví dụ như Hà Đông có thể quy hoạch làng nghề Vạn Phúc, kết hợp các hoạt động giải trí kèm theo nét đặc trưng của làng nghề. Gia Lâm hiện có Bảo tàng gốm tại làng nghề Bát Tràng, khu Ocean Park 1 đang hoạt động rất tốt vào các dịp cuối tuần, lễ Tết, cần nhân rộng mô hình này để kết hợp được mục tiêu văn hoá và thương mại.

Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng chính là xây dựng chương trình đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa như: tổ chức, liên kết các lớp học đào tạo chuyên nghành về công nghiệp văn hóa, bồi dưỡng đào tạo nhân sự có năng lực tham gia vào công tác xây dựng phát triển ngành; tổ chức xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư xây dựng nghành công nghiệp văn hóa; tổ chức các cuộc thi sáng tạo ý tưởng khởi nghiệp cho các doanh nhân trẻ kinh doanh các nghành nghề liên quan đến công nghiệp văn hóa; bố trí nguồn vốn, liên kết các tổ chức tài chính ngân hàng xây dựng những chính sách ưu đãi về vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Ông Emmanuel Cerise – Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội cho biết, ở Pháp, quản lý văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Lĩnh vực công nghiệp văn hóa gồm nghệ thuật, quảng cáo, truyền hình, báo chí, điện ảnh, trò chơi điện tử...Hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa mang lại cho kinh tế Pháp khoảng 110 tỷ euro. Trên toàn EU (Liên minh châu Âu), công nghiệp văn hóa đứng thứ 3 sau xây dựng và kinh doanh nhà hàng - khách sạn.

Ông Emmanuel Cerise cũng có những phân tích từ những dự án đã và đang phối hợp thực hiện tại Việt Nam để đưa ra những gợi ý những việc cần làm để phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội. Đó là xây dựng các không gian văn hóa mới, kết nối mạng lưới giữa các không gian sáng tạo, đề xuất tổ chức các sự kiện như lễ hội, hoạt động nghệ thuật, phát triển các dịch vụ sáng tạo bao gồm khu lưu trú cho nghệ sĩ, cho thuê không gian phục vụ các hoạt động sáng tạo hoặc tổ chức sự kiện, phát triển các khu vực đa chắc năng và hỗ trợ cho nghệ sĩ, người sáng tạo…

Ông Cerise cho rằng Hà Nội có địa giới hành chính rộng, sức hút văn hóa lớn ở ngoại thành, có thể phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa hiệu quả. Hà Nội nên phát triển cả trung tâm do Nhà nước và tư nhân quản lý. Để phát huy các trung tâm công nghiệp văn hóa, cần đầu tư hạ tầng giao thông, xây các tuyến buýt kết nối di sản, cung cấp tài liệu cho hành khách.

Từ kinh nghiệm tổ chức sự kiện văn hóa tại Pháp, ông Emmanuel Cerise đề xuất Hà Nội nên tổ chức sự kiện thường kỳ như Lễ hội Thiết kế sáng tạo, hoạt động quảng bá di sản tại biệt thự 46 Hàng Bài.

Trung tâm công nghiệp văn hóa - lực đẩy cho sự phát triển của Thủ đô
Ông Emmanuel Cerise – Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Hiếu

Theo tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc vận dụng các mô hình đầu tư và tài trợ văn hóa như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...

Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại – văn hóa để triển khai Luật Thủ đô (2024), các chuyên gia đều cho rằng, TP Hà Nội cần làm rõ hơn nữa nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng cơ chế cụ thể hơn về việc cho thuê tài sản công; cần bổ sung chính sách hỗ trợ các chủ thể sáng tạo trong hoạt động công nghiệp văn hóa dựa trên không gian văn hóa, di sản văn hóa, gắn liền với cộng đồng...

Trung tâm công nghiệp văn hóa - lực đẩy cho sự phát triển của Thủ đô
Một sự kiện văn hóa tại khu vực hồ Hoàn Kiếm thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: An Nhiên
Phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô từ loại hình di tích Phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô từ loại hình di tích
Luật Thủ đô 2024: thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Luật Thủ đô 2024: thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao và du lịch

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.