![]() |
Kiểm tra thật kỹ các thông tin sẽ giúp người tiêu dùng tránh mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 790/ATTP-SP ngày 18/4/2025 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố theo hướng dẫn tại công văn số 2792/ATTP-SP ngày 4/11/2024 của Cục An toàn thực phẩm.
Chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tăng cường triển khai hậu kiểm theo hướng dẫn tại công văn số 2792/ATTP-SP ngày 4/11/2024; 730/ATTP-PCCTr ngày 14/4/2025 và 296/ATTP-PCCTr ngày 20/2/2025 của Cục An toàn thực phẩm.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn người dân trên địa bàn tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Để đảm bảo an toàn và tránh sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, dưới đây là 10 thông tin cần kiểm tra khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu nêu tại Công văn 790/ATTP-SP:
1. Tên sản phẩm
2. Ngày sản xuất và hạn sử dụng
3. Thành phần và thành phần định lượng
4. Định lượng
5. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản
6. Công dụng và đối tượng sử dụng
7. Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có)
8. Cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”
9. Cụm từ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”
10. Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có)
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo trên các trang chính thức: https://vfa.gov.vn và https://dichvucong.moh.gov.vn
Khi xem quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, người tiêu dùng cần lưu ý các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, như quảng cáo rằng uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ chữa khỏi bệnh hoặc có hình ảnh bác sĩ quảng cáo sản phẩm mà không có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Đây là những dấu hiệu của quảng cáo vi phạm.
Kiểm tra các thông tin này sẽ giúp người tiêu dùng tránh mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không đạt chất lượng, bảo vệ sức khỏe của mình khi sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Mây Hạ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/10-thong-tin-quan-trong-can-luu-y-khi-mua-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-nhap-khau-416385.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.