Đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có ít nhất 1.200 km cao tốc

Chiều 21/4, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp đặc biệt về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có ít nhất 1.200 km cao tốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng tại miền Tây. Ảnh: VGP

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cùng Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố thuộc Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Đại diện các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu thi công các công trình giao thông quan trọng cũng có mặt để báo cáo tiến độ và tháo gỡ vướng mắc.

Trong thời gian qua, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã liên tục có các chuyến công tác, kiểm tra thực địa, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng tại miền Tây – một trong những khu vực còn nhiều nút thắt về kết nối giao thông và phát triển nguồn nhân lực.

Đáng chú ý, ngày 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra công trình thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, làm việc với các bên liên quan để tháo gỡ khó khăn, đồng thời yêu cầu khẩn trương triển khai tuyến tiếp theo từ Cà Mau đến Đất Mũi và nối với cảng Hòn Khoai – một điểm trung chuyển chiến lược trong kết nối đa phương thức tại khu vực phía Nam.

Đây là lần thứ 8 Thủ tướng kiểm tra dự án cao tốc trục dọc cuối cùng của tuyến Bắc – Nam phía Đông, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông chiến lược. Theo chỉ đạo, dự án phải hoàn thành trước ngày 19/12/2025, góp phần hoàn tất tuyến cao tốc xuyên suốt từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, nhưng vẫn tồn tại hai nút thắt lớn là hạ tầng giao thông và chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ sẽ tiếp tục hành động quyết liệt để giải tỏa những điểm nghẽn này.

Bên cạnh tuyến Cần Thơ – Cà Mau, hàng loạt dự án khác đang được triển khai đồng bộ như cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cầu Đại Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn Gò Quao – Vĩnh Thuận… Mục tiêu là đến hết năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có 600 km đường cao tốc, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Định hướng tới năm 2030, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị nguồn lực và quy hoạch để phát triển ít nhất 1.200 km cao tốc cho ĐBSCL, đồng thời đầu tư đồng bộ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và cảng biển. Đây được xem là chiến lược "bẻ khóa" cho bài toán phát triển bền vững của miền Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, các dự án nâng cấp sân bay Cà Mau, Phú Quốc, Rạch Giá và mở rộng các cảng biển chiến lược như Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai cũng sẽ được triển khai song song, cùng hệ thống cảng thủy và tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ.

“Giải quyết được 5 phương thức giao thông, ĐBSCL sẽ thoát nghèo, do đó chúng ta phải quyết tâm làm, mỗi thế hệ làm một ít để hoàn thành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất hình thức khen thưởng kịp thời cho những đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, bao gồm cả thưởng tài chính theo quy định. Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trong việc nhanh chóng cấp phép các mỏ đất đá, hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm.

Thủ tướng chỉ đạo chi trả lương hưu tháng 5 sớm (từ ngày 25-28/4/2025) Thủ tướng chỉ đạo chi trả lương hưu tháng 5 sớm (từ ngày 25-28/4/2025)
Tăng cường ứng dụng công nghệ, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, an toàn giao thông Tăng cường ứng dụng công nghệ, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Vũ Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.