Luật Thủ đô 2024

Hà Nội với khát vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước

Luật Thủ đô năm 2024 đánh dấu một bước tiến lớn trong việc xác lập cơ chế đặc thù cho Hà Nội trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Hà Nội cần sự vào cuộc đồng bộ, hành động mạnh mẽ và tư duy bứt phá.
Hà Nội với khát vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước
Luật thủ đô 2024 mở nút thắt về cơ chế, chính sách cho khoa học, công nghệ phát triển, đưa Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Ảnh: Khánh Huy

Từ chính sách quốc gia đến cơ chế riêng cho Thủ đô

Chưa bao giờ đổi mới sáng tạo được đặt ở vị trí trung tâm như trong thời kỳ phát triển hiện nay. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá chiến lược. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần những trung tâm đổi mới sáng tạo thực thụ, có khả năng dẫn dắt, thử nghiệm và lan tỏa.

Trong bối cảnh đó, Luật Thủ đô năm 2024 đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, trong đó có việc xác lập cơ chế riêng để Hà Nội phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Đây là điểm mới căn bản so với Luật Thủ đô năm 2012.

“Hà Nội được thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong một số lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm…” - Điều 40, Luật Thủ đô 2024.

Những quy định này thể hiện sự chuyển biến từ tư duy "khuyến khích chung" sang "trao quyền đặc thù", từ hỗ trợ thụ động sang trao cơ chế chủ động để Hà Nội kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo toàn diện.

Hà Nội hiện đang sở hữu nền tảng thuận lợi để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Thành phố có hơn 80 trường đại học, 50 viện nghiên cứu lớn, chiếm hơn 60% số lượng nhà khoa học đầu ngành cả nước. Các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp như FPT, Viettel, Phenikaa, VinAI… đều lựa chọn Hà Nội làm địa bàn chiến lược.

Bên cạnh đó, Thủ đô cũng là nơi đặt trụ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Hòa Lạc – một trong những đầu mối kết nối và thử nghiệm các mô hình công nghệ mới. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, liên kết trường – viện – doanh nghiệp đã được hình thành bước đầu.

Tuy nhiên, tiềm lực đó chưa thực sự tạo ra đột phá. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Hà Nội vẫn còn phân mảnh, thiếu tính kết nối và chưa hình thành được các cụm đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Nhiều kết quả nghiên cứu chưa được thương mại hóa hoặc ứng dụng thực tiễn. Các mô hình thử nghiệm (sandbox) chưa thể triển khai do thiếu hành lang pháp lý chi tiết.

Từ luật đến cuộc sống: cần hành động quyết liệt và đồng bộ

Dù Luật Thủ đô 2024 đã trao quyền, nhưng quá trình chuyển hóa các quy định pháp lý thành chính sách thực thi cụ thể vẫn là thách thức không nhỏ.

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ và startup tại Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ. Nhiều chương trình đặt hàng nghiên cứu, hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn mang nặng tính hành chính. Việc triển khai các mô hình mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính, y tế thông minh… vẫn vướng rào cản pháp lý.

Ngoài ra, Hà Nội vẫn chưa thiết lập cơ chế điều phối liên ngành đủ mạnh để gắn kết các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính quyền vẫn mang tính độc lập, thiếu phối hợp chiến lược dài hạn.

Hà Nội với khát vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước
Nghiên cứu và chế tạo robot tại Đại học Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, khoản 2, khoản 3 Điều 23 Luật Thủ đô đã có nhiều quy định đột phá nhằm ưu đãi, khuyến khích đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô nói riêng và tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP nói chung, bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm được quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa.

- Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được nhận hỗ trợ từ ngân sách TP để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm.

- Thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

- Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi tương tự như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô.

- Nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, dự án sản xuất thử nghiệm cấp TP được giao theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của Hội đồng nhân dân Thành phố.

- Tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách TP được áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

"Đây đều là các cơ chế, chính sách đột phá giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ trong thời gian qua. Với quy định mới trong Luật Thủ đô, tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP sẽ được trao quyền tự chủ, được tự quyết định nhiều hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, qua đó sẽ tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, thanh quyết toán cho các nhà khoa học để tập trung thời gian, sức lực cho công tác nghiên cứu.

Với những cơ chế đột phá này, TP Hà Nội kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học trình độ cao, nhóm nghiên cứu của các trường, viện tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm Thủ đô trong giai đoạn tới" - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết thêm.

Để Hà Nội trở thành đầu tàu về đổi mới sáng tạo

Để hiện thực hóa vai trò đầu tàu đổi mới sáng tạo quốc gia, Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như:

Ban hành chiến lược và cơ chế điều phối cấp TP. Hà Nội cần sớm xây dựng và công bố Chiến lược phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, thành lập Ban chỉ đạo cấp TP để chỉ đạo triển khai, điều phối nguồn lực và kiểm soát tiến độ thực hiện.

Cụ thể hóa các cơ chế trong Luật Thủ đô 2024. Các quy định như sandbox, ưu đãi thuế, hỗ trợ trung tâm R&D… cần sớm được hướng dẫn bằng nghị quyết của HĐND TP, quyết định của UBND TP và quy trình hướng dẫn rõ ràng. Đặc biệt, sandbox cần được áp dụng thí điểm trước trong một số lĩnh vực công nghệ số để tạo hình mẫu.

“Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội quy định tiêu chí xác định và chính sách khuyến khích phát triển các mô hình thử nghiệm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP” - khoản 2, Điều 41, Luật Thủ đô 2024.

Tăng cường liên kết vùng và quốc tế. Lợi thế của Hà Nội là nằm trong trung tâm của Vùng Thủ đô mở rộng, bao gồm các tỉnh giàu tiềm năng công nghiệp – công nghệ như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên… Việc xây dựng cụm đổi mới sáng tạo liên vùng sẽ giúp giảm tải cho nội đô, đồng thời gia tăng tính lan tỏa về công nghệ và tri thức.

Huy động nguồn lực tài chính xã hội hóa. Cùng với cơ chế giữ lại toàn bộ số thu tăng thêm từ các chính sách mới, Hà Nội có thể thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo Thủ đô, vận hành theo mô hình công – tư hợp tác, để đầu tư cho các dự án công nghệ đột phá, mô hình kinh doanh mới, sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.

Thành công trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo không thể đến từ những chính sách ngắn hạn hay sự hỗ trợ nhỏ giọt. Đó là kết quả của tư duy chiến lược, hành động quyết liệt và sự kiên định trong điều hành chính sách. Hà Nội không thiếu tiềm lực, cũng không thiếu cơ hội. Luật Thủ đô 2024 đã mở ra một khuôn khổ pháp lý quan trọng, nhưng sẽ vô nghĩa nếu không có sự chuyển hóa thành các mô hình cụ thể, hành động thực chất và kết quả rõ ràng.

Đã đến lúc Hà Nội cần thể hiện tinh thần tiên phong bằng việc trở thành nơi thử nghiệm, sáng tạo và dẫn dắt các mô hình phát triển mới, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Luật Thủ đô 2024: phát triển giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội Luật Thủ đô 2024: phát triển giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội

Đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải đề xuất, cần xây dựng cơ chế điều phối thống nhất giữa các sở, ban, ngành ...

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo

Hà Nội đang lấy ý kiến cho các dự thảo xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại – ...

Khánh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.