Để bớt đi các phiên tòa xét xử thanh thiếu niên phạm tội

Những vụ án hình sự mà các đối tượng liên quan là những đứa trẻ chưa thành niên… luôn khiến nhiều người nặng lòng. Để hạn chế những phiên tòa như thế, theo các chuyên gia, yếu tố phòng ngừa, giáo dục trong gia đình và toàn xã hội là điều cần thiết.
Bị cáo Nguyễn Hồng Nhung bị dẫn giải vào phòng xử. Ảnh: Phạm Kiên
Bị cáo Nguyễn Hồng Nhung bị dẫn giải vào phòng xử. Ảnh: Phạm Kiên

Hậu quả từ những suy nghĩ sai lầm

Ngày 22/4, nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe tốc độ cao, đâm tử vong cô gái đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo hồi tháng 11/2024 đã được Toà án Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đưa ra xét xử. Nhóm quái xế bao gồm 24 thanh thiếu niên, nhiều người còn chưa đủ 18 tuổi hầu tòa với các tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" và "Gây rối trật tự công cộng".

Trong nhóm này, bị cáo Nguyễn Hồng Nhung (SN 2005, trú tại quận Tây Hồ) bị truy tố về 2 tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", "Gây rối trật tự công cộng". Tại toà, bị cáo Nguyễn Hồng Nhung khai tự mua xe nhưng không có bằng lái. Hôm gây ra tai nạn, bị cáo chỉ định đi "lượn", không có ý định đua xe tuy nhiên bị cáo này thừa nhận có đi nhanh, bấm còi, vượt đèn đỏ và luồn lách trên phố. Thời điểm đâm vào nạn nhân, bị cáo Nhung biết có va chạm nhưng không biết đã gây tai nạn chết người. Bị cáo chỉ biết khi tỉnh dậy trong bệnh viện.

Tương tự, Nguyễn Tá Minh Khang (SN 2008, trú tại huyện Thanh Trì) cũng bị truy tố 2 tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", "Gây rối trật tự công cộng" cũng khai không có giấy phép lái xe tuy nhiên vẫn lấy xe của mẹ để "lượn" phố. Việc bỏ chạy khi xảy ra tai nạn, bị cáo này giải thích do quá hoảng sợ…

Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Nhung (SN 2005, trú tại quận Tây Hồ) 8 năm 6 tháng tù và Nguyễn Tá Minh Khang (SN 2008, trú tại huyện Thanh Trì) 6 năm 6 tháng tù cùng về 2 tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", "Gây rối trật tự công cộng". Các bị cáo còn lại nhận án từ 5-12 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng". Trong đó nhiều người bị tạm giam, đã chấp hành xong án phạt tù nên được tuyên trả tự do tại tòa.

Án đã tuyên, sau những giây phút bốc đồng, nông nổi của tuổi trẻ là hậu quả nhãn tiền. Bị cáo Nhung, Khang cùng các bị cáo khác đáng lẽ đang trong tâm thế tự tin của tuổi thanh xuân thì nay ngậm ngùi trả giá trong sự mất tự do. Chắc hẳn, những cái vẫy tay, sự cố gắng ngoái đầu quay lại nhìn người thân của các bị cáo sau khi xuống xe dẫn giải khiến nhiều người trưởng thành day dứt.

Phân tích về hành vi của nhóm bị cáo này, thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa hiếu động, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ bản lĩnh hay đẳng cấp với người xung quanh và thường tụ tập, đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích.

Với hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe, thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích, ban đầu các đối tượng này có thể cũng sợ trước những trò như vậy, nhưng rồi bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, trong khi tâm lý không ai muốn bị chê là nhát, là kém nên vẫn “gật đầu” tham gia và chẳng may nếu có chuyện gì thì “đã có bố mẹ lo”... Lúc đã ở trên “đường đua” thì ý thức các đối tượng muốn thể hiện bản thân bằng cách phô diễn khả năng đi bằng 1 bánh xe, đổi tay lái. Sau vài lần là các đối tượng dường như quên sợ, đôi khi còn có hành vi trêu đùa, thích bị công an truy bắt.

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, đây là những suy nghĩ sai lầm của lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là một bộ phận học sinh hiện nay, bởi hành vi này không những vi phạm trật tự an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, hiện nay các đối tượng có hành vi phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tham gia các đoàn đua xe trái phép phần lớn nằm trong diện các gia đình có hoàn cảnh như có bố mẹ đã mất, bố mẹ ly dị... thiếu sự chăm sóc, giáo dục. Thậm chí, có gia đình vô tư giao xe cho con chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe đi tụ tập cùng bạn bè vào ban đêm.

Toàn cảnh phiên xét xử ngày 22-4 tại Toà án Nhân dân quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Kiên
Toàn cảnh phiên xét xử ngày 22-4 tại Toà án Nhân dân quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Kiên

Yếu tố phòng ngừa, giáo dục trong gia đình và xã hội

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người đã từng tham gia nhiều phiên tòa với các bị cáo chưa thành niên cho biết, những vụ án hình sự mà các đối tượng liên quan là những đứa trẻ chưa thành niên… luôn khiến người làm luật sư nặng lòng.

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, trong quãng thời gian làm luật sư của mình, ông chứng kiến nhiều người rơi nước mắt trên những phiên tòa. Đó là bị can, bị cáo, là người nhà nạn nhân, là người nhà của chính bị cáo, thậm chí có cả những luật sư... Nhưng day dứt nhất, đó là những giọt nước mắt ân hận của những bị cáo là thanh thiếu niên. Luật sư đã chứng kiến những thanh niên khi đứng trước vành móng ngựa đã bật khóc như trẻ con, bởi khi sự việc xảy ra rồi, trong quá trình giam giữ mới thực sự ý thức được hậu quả của mình gây ra. Sự non nớt về nhận thức xã hội, sự mù mờ về nhận thức pháp luật khiến nhiều người gây ra chuyện mà không hề biết mình đang phạm trọng tội…

Trong các phiên tòa với các bị cáo chưa thành niên thường do những hành vi bộc phát, ngông cuồng mà phải trả một giá quá đắt. Một người mất đi mạng sống, một gia đình mất đi thành viên… còn những người khác thì đối diện với án tù. Trong những vụ án như thế, cho dù phán xét thế nào thì nỗi đau của người ở lại vẫn rất dai dẳng.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, sau những vụ án, phiên tòa xét xử như vậy, càng phải nhìn nhận rõ hơn, nghiêm túc và tường tận hơn trách nhiệm của người lớn, gia đình, nhà trường cũng như của xã hội về việc chăm sóc, giáo dục trẻ chưa thành niên.

“Trong nhiều gia đình, bố mẹ, ông bà trong gia đình đều hổng kiến thức pháp luật, thiếu kỹ năng giáo dục con cái. Con cái hồn nhiên lớn, tự nhiên trưởng thành tiếp tục mang trong mình những lỗ hổng về nhận thức pháp luật. Còn trong nhà trường hiện nay quá thiếu những giờ học về pháp luật, hoặc nếu có thì thời lượng cũng không nhiều, hơn nữa nếu có dạy cũng chỉ lý thuyết mà chưa đề cập đến chế tài xử lý, hoặc đề cập đến chế tài xử lý chưa đủ mạnh…” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng lập luận.

Để tránh những vụ việc tương tự xảy ra, luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, quy định của pháp luật khá chặt chẽ, chế tài xử phạt khá nghiêm. Vì vậy, về giải pháp đẩy lùi tình trạng trên, yếu tố phòng ngừa, giáo dục trong gia đình và toàn xã hội là điều cần thiết.

Xuyên đêm chặn bắt hàng loạt “quái xế” ở Hà Nội
Hai thiếu nữ 16 tuổi huy động gần 100 thanh, thiếu niên hẹn nhau hỗn chiến
Hà Nội: tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.