Chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Hà Nội: thắp lửa lòng yêu nước từ những tiết học lịch sử đặc biệt

Tái hiện hình ảnh hào hùng của dân tộc từ biểu tượng lịch sử hay các chương trình giao lưu với các nhân chứng lịch sử tại trường học là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Hà Nội: thắp lửa lòng yêu nước từ những tiết học lịch sử đặc biệt
Các nhân chứng lịch sử tham gia chuỗi chương trình "Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống". Ảnh: Hồng Phượng

Những ngày tháng Tư lịch sử, khắp tuyến phố Hà Nội như bừng sáng trong sắc cờ đỏ sao vàng - biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Mỗi con đường, góc phố đều nhuộm màu đỏ của hòa bình, màu của hạnh phúc, rộn ràng, gợi nhắc về những ký ức hào hùng của 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Từng lá cờ tung bay trong gió như lời tri ân sâu sắc đến những thế hệ cha anh đã viết lên trang sử vẻ vang cho dân tộc. Hòa chung khí thế của ngày hội non sông, hướng đến ngày đại lễ 30/4, các trường học trên địa bàn TP Hà Nội đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: tiết học ngoại khóa, giao lưu nhân chứng lịch sử, văn nghệ,… nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tri ân đến những người lính đã không tiếc máu xương ngã xuống để đổi lấy hòa bình dân tộc ngày hôm nay.

Đây còn là cơ hội quý báu để mỗi em học sinh được lắng nghe câu chuyện thời chiến, đầy kiên cường, bất khuất của những cựu binh, những người lính từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ký ức một thời như một thước phim quay chậm về trận đánh ác liệt, hi sinh thầm lặng đến tinh thần đồng đội, lòng yêu nước sục sôi trong những năm tháng đầy gian khó.

Tại chuỗi chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” do Thành đoàn Hà Nội chỉ đạo các trường học trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức, các thế hệ học sinh được ôn lại truyền thống lịch sử, qua câu chuyện thời chiến đầy khí thế, hào hùng.

Trong buổi giao lưu với các em học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Thượng sĩ An Mạnh Hùng, chiến sĩ thuộc Ban Tham mưu, E229 Công binh, Bộ Tư lệnh Công binh trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị giai đoạn 1972-1973, tại Sê Pôn - Lào năm 1974 và tham gia Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 và nhà báo Phùng Huy Thịnh - nguyên trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam kể về khí thế lên đường ra mặt trận của các thế hệ học sinh, sinh viên Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhà báo Phùng Huy Thịnh cho biết, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” khi đó ông đang là sinh viên năm 2 Trường đại học Tổng hợp đã xung phong, viết đơn tình nguyện lên đường ra mặt trận chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đó là tinh thần cách mạng sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, là tinh thần “Nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”…

Trong ký ức lịch sử, Thượng sĩ An Mạnh Hùng và nhà báo Phùng Huy Thịnh đều chung cảm xúc bồi hồi, xúc động khi liên tục nhắc đến trận đấu ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị, về thắng lợi của 81 ngày đêm rực lửa, bằng tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Cô Trịnh Thanh Thúy - Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Trong các tiết học, bài giảng tại trường, các em học sinh được vun đắp lòng biết ơn, sự trân quý công lao to lớn của thế hệ cha ông, những người đã không tiếc thân mình “ằm lại” nơi chiến trường để đấu tranh vì nền hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước… Sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức chương trình “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” để giáo dục, làm sâu sắc thêm truyền thống yêu nước, tình yêu lịch sử trong trái tim các em học sinh”.

Tiếp nối chuỗi chương trình “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” đến với Trường THPT chuyên Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Các em học sinh toàn trường được giao lưu với cựu chiến binh Nguyễn Văn Khơi (quê Hà Nội) kể về những phút giây sinh tử trong trận chiến đấu ác liệt Thành cổ Quảng Trị hay cuộc sống cực khổ, thiếu thốn của những người lính. Giữa mưa bom bão đạn, người lính vẫn kiên cường cầm chắc cây súng, chiến đấu kiên cường vì nền độc lập của dân tộc.

Hà Nội: thắp lửa lòng yêu nước từ những tiết học lịch sử đặc biệt
Tiết học lịch sử đặc biệt của các em học sinh lớp 4A6 Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Bích Phượng

Tiết học lịch sử ý nghĩa

Trong tiết học đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cô và trò lớp 4A6 Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) tổ chức hoạt động ngoại khóa tái hiện hình ảnh chiến thắng lịch sử 30/4/1975 và xem phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy”. Bộ phim tái hiện chân thực nhất về cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, khắc họa một phần ác liệt của mặt trận Bình - Trị - Thiên, cùng hình ảnh hào hùng của người lính trẻ Hà thành xếp bút nghiên lên đường ra trận.

Cô giáo Bùi Bích Phượng chia sẻ trong bài viết rằng, nhiều em học sinh sau khi xem bộ phim đã hỏi: “Cô ơi, mùi cỏ cháy thật sự có mùi gì vậy?” - Câu hỏi làm sao có thể diễn tả? Đó không chỉ là mùi khói, mùi lửa, mà là mùi của cả một thời đại - nơi những con người dám sống, dám chết vì hai chữ “Tổ quốc”.

Vừa tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các em nhỏ từ Trường Mầm non tư thục Hello Kitty (ngõ 1 Võng Thị, quận Tây Hồ, Hà Nội) được các cô giáo tổ chức hoạt động văn nghệ tại vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong trang phục màu áo bộ đội, mũ tai bèo, trên tay cầm lá cờ đỏ sao vàng, tiết mục nhảy sôi động theo nhạc bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” đã nhận được sự chú ý của người dân và du khách quốc tế.

Hà Nội: thắp lửa lòng yêu nước từ những tiết học lịch sử đặc biệt
Các em nhỏ Trường Mầm non tư thục Hello Kitty (Tây Hồ, Hà Nội) trình diễn tiết mục văn nghệ chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Ảnh: Mộc Miên

Theo cô Nguyễn Từ Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hello Kitty cho biết, hoạt động ngoại khóa tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là dịp tuyên truyền đến các em nhỏ về Ngày lễ đặc biệt của dân tộc - 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các em được khoác lên màu áo cờ đỏ sao vàng, màu xanh áo lính, mũ tai bèo tái hiện hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng.

Tiết học lịch sử đặc biệt trong một không gian lịch sử được tái hiện bằng cả sự trân trọng và tôn quý lịch sử dân tộc, giúp các em học sinh có những cảm xúc chân thực về một thời hoa lửa của cha ông. Từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Có thể nói, tình yêu quê hương, đất nước được nuôi dưỡng từng ngày, từng giờ, qua những trang sách, những bài học và cả những cảm xúc chân thật trong những tiết học lịch sử đặc biệt. Qua các câu chuyện thời chiến, các học sinh đều bày tỏ sự tri ân đến những cống hiến của những người lính cho nền độc lập của Tổ quốc, truyền lửa tinh thần học tập, dựng xây nước nhà phát triển, phồn vinh.

Thông qua tiết học lịch sử ngoại khóa, không còn là những con số khô khan trong sách vở, mà trở thành những câu chuyện sống động, thấm đẫm cảm xúc và bài học sâu sắc. Đó là cách giáo dục lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc một cách gần gũi và hiệu quả nhất đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Dòng người nườm nượp đổ về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam Dòng người nườm nượp đổ về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Hà Nội: triển khai kế hoạch đáp ứng y tế phục vụ các hoạt động kỷ niệm Hà Nội: triển khai kế hoạch đáp ứng y tế phục vụ các hoạt động kỷ niệm

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.