![]() |
Mức chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Euronews |
Ngày 28/4, SIPRI công bố báo cáo cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2024 đạt 2.730 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023 – mức tăng nhanh nhất trong một năm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc hơn ba thập kỷ trước. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp ngân sách quốc phòng toàn cầu tăng trưởng.
Theo SIPRI, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2024, trong bối cảnh các chính phủ ngày càng coi trọng an ninh quân sự, dù điều này có thể làm ảnh hưởng đến ngân sách cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Ukraine được SIPRI xếp là quốc gia có gánh nặng quân sự lớn nhất thế giới khi chi tới 34% GDP – gần 65 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2024. Toàn bộ doanh thu thuế của nước này được sử dụng cho mục đích quân sự, trong khi các lĩnh vực dân sự phải phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài.
Châu Âu, bao gồm cả Nga, chi gần 700 tỷ USD cho quốc phòng, trở thành khu vực đóng góp lớn nhất vào mức tăng toàn cầu. Đức là điểm nhấn đáng chú ý, với mức tăng chi tiêu lên đến 28%, đạt hơn 88 tỷ USD, vượt qua cả Anh và Pháp để trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất Tây Âu.
"Lần đầu tiên kể từ khi tái thống nhất, Đức đứng đầu về chi tiêu quốc phòng tại Tây Âu", theo nhà nghiên cứu Lorenzo Scarazzato của SIPRI. Quốc gia này hiện đứng thứ 4 thế giới về ngân sách quân sự, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Toàn bộ khối NATO đã chi 1.500 tỷ USD trong năm 2024, chiếm khoảng 55% tổng ngân sách quân sự toàn cầu. Mỹ tiếp tục là quốc gia chi tiêu lớn nhất, với gần 1.000 tỷ USD, chiếm gần 37% toàn cầu và 2/3 tổng chi tiêu của NATO.
Sự gia tăng này, theo SIPRI, phản ánh lo ngại về nguy cơ xung đột với Nga và khả năng Mỹ rút lui khỏi NATO, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump nhiều lần thúc giục các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quân sự.
Nga vẫn là một trong bốn quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc duy trì vị trí thứ hai, với 314 tỷ USD cho quốc phòng, tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân đội toàn diện đến năm 2035. SIPRI cho biết, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào máy bay chiến đấu tàng hình, UAV, phương tiện không người lái dưới nước và đặc biệt là mở rộng nhanh kho vũ khí hạt nhân.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản cũng tăng chi tiêu quốc phòng thêm 21%, lên 55,3 tỷ USD. Theo nhận định của chuyên gia, nhiều quốc gia trong khu vực đang đầu tư vào các năng lực quân sự tiên tiến, khiến nguy cơ chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng.
Khu vực Trung Đông ghi nhận mức chi tiêu quân sự đạt khoảng 243 tỷ USD trong năm 2024. Israel tăng ngân sách quốc phòng tới 65%, đạt 46,5 tỷ USD – một phần do xung đột leo thang với Hezbollah và chiến sự tại Dải Gaza.
Sự gia tăng chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2024 không chỉ phản ánh những căng thẳng địa chính trị hiện hữu, mà còn báo hiệu một kỷ nguyên mới của tái vũ trang toàn diện, với các cường quốc quân sự lớn không ngừng củng cố năng lực răn đe và hiện đại hóa kho vũ khí.
Xung đột Nga – Ukraine khiến mức chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kỷ lục | |
Nga tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục |
Vũ Linh
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chi-tieu-quan-su-toan-cau-dat-muc-cao-ky-luc-ke-tu-chien-tranh-lanh-417261.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.