![]() |
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: Bộ Công an |
Gây thiệt hại hơn 1.168 tỷ đồng
VKSND tối cao vừa truy tố bị can Nguyễn Văn Hậu (Hậu "Pháo"), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long về các tội: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhóm bị can bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” gồm: Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Phạm Hoàng Anh, cựu Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Nguyễn Văn Khước, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Hoàng Văn Nhiệm, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc; Chu Quốc Hải, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc; Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Đặng Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Nhóm bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Hà Hòa Bình, cựu Phó chủ tịnh UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Đức Vượng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Đinh Thị Thu Hương, cựu Trưởng phòng Giá đất bồi thường tái định cư thuộc Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc; Cao Đại Nghĩa, cựu Phó trưởng phòng Giá đất, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc Công ty CP Tư vấn tài nguyên và môi trường Nam Hà.
Còn lại, các bị cáo bị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện các dự án, gói thầu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ, gồm: 4 dự án và 4 gói thầu tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; 2 gói thầu tại tỉnh Quảng Ngãi; 4 gói thầu thuộc 2 dự án tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, bị can Nguyễn Văn Hậu đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo nhân viên cấp dưới hoặc câu kết với các đơn vị khác thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, kế toán.
Hành vi sai phạm của Nguyễn Văn Hậu và các đồng phạm, đối tượng liên quan trong vụ án đã gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, với tổng số tiền là hơn 1.168 tỷ đồng, trong đó hậu quả thiệt hại từ hành vi vi phạm quy định về kế toán là hơn 504 tỷ đồng, từ việc xác định lại giá đất là hơn 204 tỷ đồng và từ hành vi vi phạm quy định về đấu thầu là hơn 459 tỷ đồng.
Hành vi sai phạm của Nguyễn Văn Hậu còn dẫn đến hàng loạt cán bộ ở các địa phương nêu trên bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật, làm giảm niềm tin của Nhân dân, gây bức xúc dư luận.
Chi 5% số tiền được nghiệm thu, thanh quyết toán để cám ơn
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Ngãi, cuối năm 2011, Hậu thông qua các mối quan hệ gặp các ông Cao Khoa, Lê Viết Chữ và được ủng hộ tới Quảng Ngãi đầu tư.
Khoảng tháng 3/2012, Nguyễn Văn Hậu được ông Đặng Văn Minh thông báo Quảng Ngãi sắp phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đường bờ Nam sông Trà Khúc. Tháng 11/2012, sau khi gói thầu số 12 được phê duyệt bản vẽ thi công, dự toán, kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu, Nguyễn Văn Hậu được Đặng Văn Minh tiết lộ thông tin, dự toán gói thầu dưới dạng dữ liệu điện từ có tên "DT-Good-1".
Sau đó, Hậu chỉ đạo cấp dưới sử dụng các Báo cáo tài chính "nâng khống doanh thu"; thông đồng, móc ngoặc, hợp thức hồ sơ dự thầu, tham dự thầu với vai trò "quân xanh, quân đỏ" và được trúng thầu.
Trong quá trình tổ chức thi công, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi không thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát của Chủ đầu tư, để Tập đoàn Phúc Sơn sử dụng Công ty Đồng Khánh thi công, yêu cầu cắt chuyển lại gần 20 tỷ đồng tiền phần trăm khối lượng hoàn thành.
Ngoài ra, có 27 đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu, nhân công chuyển lại 73,802 tỷ đồng tiền chênh lệch vật tư, vật liệu, nhân công, giúp Nguyễn Văn Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại hơn 93 tỷ đồng từ nguồn tiền của chủ đầu tư.
Đến tháng 2/2013, với mối quan hệ sẵn có, ông Đặng Văn Minh chủ động trao đổi và gợi ý Hậu tham gia Dự án công trình mở rộng Quốc lộ 1 (gói thầu số 10) do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Hậu và ông Minh trao đổi thống nhất áp dụng hình thức chỉ định thầu để Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.
Tương tự gói thầu số 12, ở gói thầu số 10, Tập đoàn Phúc Sơn được tiết lộ thông tin gồm các file tài liệu về hồ sơ yêu cầu và dự toán gói thầu. Trên cơ sở thông tin này, Tập đoàn Phúc Sơn xây dựng hồ sơ đề xuất đáp ứng yêu cầu và đơn giá đề xuất thấp hơn giá tạm duyệt dự toán.
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Văn Hậu và Đặng Văn Minh thỏa thuận Tập đoàn Phúc Sơn sẽ chi 5% số tiền được nghiệm thu, thanh quyết toán để cám ơn Minh và lãnh đạo tỉnh. Ở cả 2 dự án, Đặng Văn Minh đã nhận của Hậu 13 lần với số tiền 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD, trong đó, Minh được hưởng lợi hơn 11,4 tỷ đồng.
Số tiền còn lại, Minh đưa Khoa 6 tỷ đồng và đưa Chữ 6 tỷ đồng; chi khác 200.000 USD. Ngoài ra, Minh còn sử dụng 960 triệu đồng để đóng góp xây dựng 8 căn nhà cho các hộ nghèo, khó khăn tại xã Phổ An, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Quá trình điều tra, truy tố, cơ quan chức năng đã thu giữ, kê biên, phong tỏa khối tài sản lớn. Giai đoạn điều tra thu giữ hơn 41,5 tỷ đồng, 534 lượng vàng SJC, hơn 1,1 triệu USD. Các bị can và đối tượng liên quan nộp tiền khắc phục hậu quả là hơn 118 tỷ đồng. Các bị can, đối tượng liên quan đã nộp gần 67 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án. Tổng cộng, các bị can và đối tượng liên quan đã nộp gần 189 tỷ đồng.
Trong đó, Hậu “Pháo” đã nộp khắc phục hơn 84 tỷ đồng, Minh nộp 11,6 tỷ đồng, Cao Khoa nộp 6 tỷ đồng và 20.000 USD, Chữ nộp 6,3 tỷ đồng.
Cơ quan Công an kê biên 1.440 bất động sản, phong tỏa 43 tài khoản, sổ tiết kiệm liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và các bị can.
Ngoài các bị can đã bị khởi tố, đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau nhưng chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ mức độ, tính chất hành vi sai phạm, cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định.
Một số cá nhân liên quan khác thực hiện hành vi có dấu hiệu sai phạm. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết, cơ quan Công an tách thông tin, tài liệu đến hành vi sai phạm của các cá nhân này để tiếp tục điều tra, xử lý sau. |
![]() | Vụ án Hậu “pháo” với những con số “giật mình” |
![]() | Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị đề nghị truy tố 3 tội danh |
![]() | Nguyễn Văn Hậu đã đưa tiền hối lộ những ai? |
Vũ Linh
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/truy-to-41-bi-cao-trong-vu-sai-pham-tai-tap-doan-phuc-son-417761.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.