![]() |
Hơn 7 tấn trứng non, nầm heo, tràng heo... không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT |
Liên tiếp bắt giữ 9 vụ thực phẩm bẩn ở Hà Nội
Đại diện Công an TP Hà Nội cho biết chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an TP phối hợp Chi cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 9 vụ thực phẩm bẩn với khối lượng lớn. Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, ngày 5/5/2025, Đội 7 - Phòng PC03 phối hợp với Đội QLTT số 17 - Cục QLTT Hà Nội kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm có địa chỉ tại Km12, đường Ngọc Hồi, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội do Lê Hồng Phong (SN 1983, quê ở Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện: 2.560kg trứng non, 200kg trứng gà, 3.050kg nầm heo, 1200kg tràng heo (khoảng hơn 7 tấn) là thực phẩm đông lạnh chưa qua sử dụng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Sau đó, tổ công tác đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trưa 21/4, Đội 7, PC03 - Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Đội QLTT số 17 - Chi cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ khám xét một kho lạnh chứa thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tại khu vực gần chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Tang vật thu giữ lên tới khoảng 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm. Tại thời điểm kiểm tra, chủ nhân của số thực phẩm bẩn này được xác định là một phụ nữ (SN 1992; trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội).
Người này khai nhận số thực phẩm đông lạnh được thu mua trôi nổi trên thị trường, không có bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các loại thực phẩm hoàn toàn không có thông tin, không tem nhãn mác hàng hóa, được đóng gói sơ sài và cất giấu sâu bên trong kho lạnh. Ngoài ra, trong quá trình khám xét, lực lượng chức năng phát hiện nhiều sản phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu bán trót lọt ra thị trường...
![]() |
Trong một tháng, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 9 vụ thực phẩm bẩn. Ảnh: Đạt Lê |
Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh - Đội trưởng Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP, cho biết: “Đây là vụ thu giữ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nếu không bị chặn đứng kịp thời, số thực phẩm bẩn này có thể được tuồn vào các chợ, nhà hàng, quán ăn trên khắp địa bàn Hà Nội, thậm chí len lỏi đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến”.
Chế tài xử lý?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua là do ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức kinh doanh của nhiều người theo kiểu “lợn nuôi hai chuồng”, “rau trồng hai luống”… Từ khâu trồng trọt chăn nuôi, khâu sản xuất đến khâu vận chuyển bảo quản đến khâu chế biến đều có nguy cơ gây mất ATTP. Người sản xuất, kinh doanh đều sẵn sàng vi phạm pháp luật, coi nhẹ tính mạng sức khỏe của người khác chỉ vì lợi nhuận…
Bên cạnh đó, do một bộ phận người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của mình và gia đình, chỉ chú ý đến những thực phẩm bắt mắt, có giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Cùng với đó, hiện nay thời đại công nghệ, các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, sẵn sàng đăng quảng cáo bán hàng mà không yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng buôn bán thực phẩm bẩn.
"Hành vi vi phạm quy định về ATTP diễn biến phức tạp trong những năm qua không phải là do chế tài không đủ sức răn đe. Những thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sẽ bị tịch thu tiêu hủy, cơ sở kinh doanh có thể bị đóng cửa, DN có thể bị phá sản chỉ vì vi phạm về ATTP, chủ DN có thể phải đối mặt với hình phạt tới 20 năm tù theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự, đó là hậu quả của pháp lý rất nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về ATTP ở Việt Nam" - luật sư Đặng Văn Cường nêu.
![]() |
Trong một tháng, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 9 vụ thực phẩm bẩn. Ảnh: Đạt Lê |
Theo luật sư, về nguyên nhân cơ bản, trước hết nằm ngay trong sự tham lam và mờ mắt vì lợi nhuận của một số kẻ bất lương, vấn đề đạo đức kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, mua bán lương thực thực phẩm và cả đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc xử lý còn gặp những khó khăn về nhân lực, về cơ chế phối hợp, về phương tiện vật chất kĩ thuật và đặc biệt là về xác định hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm quy định về ATTP nói riêng thì cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp phòng ngừa. Trong đó, có các giải pháp về chính sách pháp luật; giải pháp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giải pháp về nhân lực quản lý, giải pháp về đạo đức công vụ, đạo đức kinh doanh, giải pháp về phương tiện vật chất kỹ thuật, cơ chế giám sát, cơ chế phối hợp trong công tác xử lý và tuyên truyền về chế tài - tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. |
![]() | Hà Nội: tăng cường hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025, xử lý nghiêm vi phạm |
![]() | Bí mật bên trong kho hàng đông lạnh ở ngoại thành Hà Nội |
Đạt Lê
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chu-doanh-nghiep-doi-dien-hinh-phat-toi-20-nam-tu-418015.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.