Ứng dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

“Trong bối cảnh tội phạm ngày càng có xu hướng công nghệ hóa, ẩn danh, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia thì công nghệ số và dữ liệu dân cư chính xác chính là “vũ khí sắc bén” để chúng ta đi trước, đón đầu, chủ động kiểm soát tình hình” - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định.
Công an xã Đại thịnh nhập dữ liệu dân cư của người dân lên hệ thống. Ảnh: Phạm Hùng
Công an xã Đại thịnh nhập dữ liệu dân cư của người dân lên hệ thống. Ảnh: Phạm Hùng

Hỗ trợ hiệu quả trong phòng chống tội phạm

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, năm 2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) – Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương về việc rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng liên quan đến các hoạt động điều tra tố tụng, thi hành án; hoạt động nghiệp vụ, trinh sát và các trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 28/2/2022, Công an TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 59 về sử dụng hệ thống CSDLQGVDC phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn TP Hà Nội. Đến nay, những ứng dụng của CSDLQGVDC đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hà Nội trung tá Nguyễn Thành Lâm cho biết, sau 3 năm thực hiện kế hoạch đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát khu vực trong công tác nắm tình hình cũng như quản lý đối tượng trên địa bàn và giúp việc khai thác thông tin đối tượng được đầy đủ, chính xác, giảm tải được công tác tra cứu, cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng trên hệ thống. Thông qua dữ liệu trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, việc xác minh, trao đổi thông tin đối tượng đến và đi trên địa bàn được đảm bảo, phục vụ tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.

So với thời điểm trước khi ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch 59, việc cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng luôn đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống", góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng ứng dụng CSDLQGVDC, căn cước phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ, trinh sát, điều tra tố tụng, thi hành án của Công an TP nói chung và các phòng nghiệp vụ nói riêng.

Giám đốc Công an TP Hà Nội nhận định, CSDLQGVDC là một trong những yếu tố cốt lõi, quan trọng của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, không chỉ là công cụ kỹ thuật phục vụ cải cách hành chính, mà còn là hạ tầng dữ liệu số thiết yếu trong công tác quản lý xã hội hiện đại, đặc biệt là trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Dữ liệu dân cư, với khối lượng thông tin đồ sộ, đa dạng và liên tục cập nhật thường xuyên về nhân khẩu, cư trú, di biến động cùng nhiều dữ liệu khác, đều là những nội dung quan trọng hỗ trợ công tác phòng chống tội phạm một cách hiệu quả.

Công an xã Đại thịnh nhập dữ liệu dân cư của người dân lên hệ thống. Ảnh: Phạm Hùng
Công an xã Đại thịnh nhập dữ liệu dân cư của người dân lên hệ thống. Ảnh: Phạm Hùng

“Chìa khóa” hữu hiệu của Công an cấp xã

Theo đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, ứng dụng CSDLQGVDC là phần mềm căn bản hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, giảm bớt các khâu nhưng vẫn đảm bảo công tác điều tra đạt hiệu quả, làm sạch làm giàu dữ liệu nội ngành, ngoại ngành nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Do đó, các lực lượng Công an TP Hà Nội nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy để khai thác hiệu quả về phần mềm này, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn TP.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, việc ứng dụng CSDLQGVDC, định danh và xác thực điện tử đã trở thành công cụ đắc lực giúp lực lượng công an xã trên địa bàn TP thực thi hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, là “chìa khóa” giúp công an xã thực hiện nhiệm vụ chủ động, chính xác và hiệu quả.

CSDLQGVDC được xây dựng với mục tiêu phục vụ công tác quản lý Nhà nước, qua đó giúp công an cấp xã có thể nhanh chóng tra cứu các thông tin trên hệ thống đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và giải quyết các thủ tục hành chính. Công an cơ sở đã sử dụng thiết bị kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tổ chức thu nhận mẫu ADN cho thân nhân các gia đình liệt sỹ trên địa bàn TP.

Cùng với CSDLQGVDC là hệ thống định danh và xác thực điện tử. Công dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã thay thế nhiều loại giấy tờ “vật lý” khác như: căn cước, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế… Xác thực điện tử sẽ hạn chế tối đa việc giả mạo giấy tờ của các đối tượng xấu, hỗ trợ quản lý nhân khẩu trên địa bàn. Đặc biệt, giảm công việc thủ công, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực trong các công tác như cấp căn cước, đăng ký cư trú, đăng ký phương tiện...

Bên cạnh đó, một số ứng dụng khác trên nền tảng CSDLQGVDC, định danh về xác thực điện tử đã hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng công an cấp xã trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự nhất là: sử dụng tính năng “tố giác tội phạm” trên ứng dụng VNeID, người dân có thể kịp thời thông báo các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng vi phạm pháp luật…; đồng thời hỗ trợ lực lượng công an nhanh chóng giải quyết vụ việc, tin báo một cách hiệu quả. Với “chìa khóa” hữu hiệu, công an xã không chỉ là lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự mà còn đóng vai trò tham mưu hiệu quả chính quyền trong xây dựng chính quyền số, góp phần cải cách hành chính, phục vụ người dân, DN tốt hơn.

Chúng ta đang đứng trước thời cơ và thách thức đan xen. Việc ứng dụng hiệu quả CSDLQGVDC không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn là một bước đi quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá lực lượng Công an Nhân dân, đảm bảo chính quy, tinh nhuệ, hiện đại - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Hà Nội triển khai giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Hơn 60 triệu lượt tra cứu bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip

Lê Mận

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.