Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự bắt tay chiến lược giữa 5 nhà

Sáng 8/5 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025.
Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự bắt tay chiến lược giữa 5 nhà
Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và phát huy vai trò của 5 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà khoa học, nhà Doanh nghiệp và nhà nông”. Ảnh: Anh Nguyễn

Không còn cảnh nông dân “được mùa mất giá”, doanh nghiệp thì thiếu nguyên liệu chuẩn hóa

Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và phát huy vai trò của 5 nhà: Nhà nước, nhà băng, nhà khoa học, nhà Doanh nghiệp và nhà nông” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và một số cơ quan tổ chức với sự tham gia của nhiều đại biểu quan trọng từ các cơ quan Chính phủ, bộ, ban, ngành và một số tổ chức xã hội nghề nghiệp, một số ngân hàng, doanh nghiệp và nông dân.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết: thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,… Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức thường niên Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững, chương trình đã mạng lại nhiều giá tri cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. Năm 2025, Diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà: Nhà nước, Nhà băng, Nhà Doanh nghiệp, Nhà khoa học và Nhà nông” cùng thời điểm Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị vừa được ban hành ngày 4/5/2025 sẽ là cơ hội tốt để chúng ta đối thoại, giao lưu và qua đó đề xuất, kiến nghị, hiến kế… đến các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Thực tế cho thấy, 90% nông dân Việt Nam canh tác trên quy mô dưới 1 ha, trong khi chỉ có khoảng 20% sản lượng nông sản có hợp đồng bao tiêu. Rất nhiều trường hợp, nông dân “được mùa mất giá”, doanh nghiệp thì thiếu nguyên liệu chuẩn hóa, còn ngân hàng và nhà khoa học chưa thực sự tiếp cận được với người sản xuất. Sự thiếu liên kết này khiến cả chuỗi giá trị dễ bị đứt gãy, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mô hình liên kết 5 nhà đã dần được tái định hình, với những điểm sáng khẳng định hiệu quả rõ rệt. Từ một nền sản xuất manh mún, thiếu đầu ra ổn định, thiếu vốn và công nghệ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ – nhờ sự bắt tay chiến lược giữa 5 nhà: Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ và điều tiết, ngân hàng cung cấp tín dụng xanh, nhà khoa học chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm và nông dân - chủ thể trung tâm, sẵn sàng thay đổi để tiếp cận nông nghiệp hiện đại.

Thời gian gần đây, ngành Ngân hàng đã thúc đẩy phát triển tín dụng “tam nông” như một mục tiêu cốt lõi trong chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp - nông thôn một cách bền vững. Ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn tín dụng, theo đó, ngành Ngân hàng thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định về hoạt động cấp tín dụng; điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời ban hành hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai các chương trình, chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo thực hiện giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về chủ trương, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn... Tiêu biểu như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - HDbank, Ngân hàng thương mại Cổ phần Nam Á, Ngân hàng thương mại Cổ phần Bắc Á - Bắc Á Bank là 4 ngân hàng có chiến lược phát triển bền vững, luôn tiên phong trong thúc đẩy tín dụng xanh, ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn với danh mục sản phẩm, dịch vụ phong phú, lợi ích tối ưu. Cùng với việc thường xuyên triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi và linh hoạt, Agribank, HDBank, Nam Á Bank, Bắc Á Bank là người bạn tin cậy, luôn song hành hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nông dân tiếp cận kịp thời nguồn vốn và các giải pháp tài chính phù hợp cho nhu cầu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả và phát triển kinh tế nông nghiệp xanh bền vững.

Liên kết 5 nhà phải trở thành một chiến lược dài hạn

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD , tăng 46,8% . Trong đó xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 07 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023). Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản ngày càng phát triển, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả. Cả nước có 2.938 dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, trong đó 1.968 dự án và 970 kế hoạch liên kết được các địa phương phê duyệt. Tham gia các dự án, kế hoạch liên kết đã được phê duyệt có 2.412 HTX, 538 Tổ hợp tác, 1.305 doanh nghiệp và 211.545 hộ nông dân.

Mục tiêu chính của Diễn đàn đó là: kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đặc biệt là 5 nhà: Nhà nước – nhà băng – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – và nhà nông; đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn và thân thiện với môi trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp không chỉ bằng vốn, mà bằng công nghệ, quản trị và thị trường; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận tri thức mới, vốn tín dụng ưu đãi và thị trường tiêu thụ ổn định.

Tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng, phát triển vững chắc, dần đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế đất nước nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là giúp người nông dân chủ động - mạnh dạn nắm bắt cơ hội để vượt qua chính mình trong giai đoạn hội nhập phát triển kinh tế.

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển xanh và bền vững. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Liên kết 5 nhà không chỉ là một mô hình – mà phải trở thành một chiến lược dài hạn, thực chất, bền vững và hiệu quả. Chỉ khi ấy, nông nghiệp Việt Nam mới thực sự hiện đại hóa, tăng trưởng xanh, và đồng hành cùng khát vọng vươn mình hùng cường của dân tộc trong thế kỷ 21.

Xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi theo quy mô khu đất nông nghiệp Xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi theo quy mô khu đất nông nghiệp

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.