![]() |
Công an TP Hà Nội tuyên truyền tới học sinh tại quận Hà Đông về hiểm họa của ma túy. |
Người sử dụng ma túy có xu hướng trẻ hóa
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an, hiện trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70-75% người trong độ tuổi 17-35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên... Cùng với đó, độ tuổi sử dụng ma túy có xu hướng trẻ hóa, tập trung vào nhóm không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định và sử dụng chủ yếu ma túy tổng hợp. Với số lượng người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý ngoài cộng đồng còn cao được xác định là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nguồn lực lao động.
Tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là ở các TP lớn, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục... Trong khi học sinh, sinh viên là đối tượng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê thích trải nghiệm những cái mới. Và để len lỏi sâu hơn vào học đường, các đối tượng thường xuyên tìm ra những cách thức mới để tiếp cận, dụ dỗ các bạn trẻ. Chúng đưa ma túy vào trong đồ ăn, thức uống để có thể thu hút được nhiều người dùng hơn.
Đặc biệt, thời gian gần đây là các loại tinh dầu thuốc lá điện tử POD có tẩm ướp chất ma túy, thuốc lá gói, thuốc lá điếu có tẩm dung dịch chứa chất ADB-Butinaca thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương… Những loại ma tuý này được nguỵ trang dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc đang được giới trẻ ưa chuộng.
Ngoài ra, trong các cuộc vui, đối tượng sử dụng ma túy với khí N20 (hay được gọi là khí cười, bóng cười). Loại khí này được phép nhập khẩu vào Việt Nam trong lĩnh vực bảo quản thực phẩm và trong lĩnh vực gây mê y tế. Tuy nhiên, các đối tượng thẩm lậu đưa ra bên ngoài để cho thanh thiếu niên sử dụng và đã có trường hợp bị ngộ độc. Thực tế từng xảy ra nạn nhân tử vong khi sử dụng khí N20 kết hợp với ma túy.
Phó Trưởng phòng 5, C04 - Bộ Công an, thượng tá Bùi Đức Thiêm thông tin, hiện nay một bộ phận giới trẻ đang coi việc sử dụng ma túy là cách để khẳng định bản thân với quan điểm… phải sử dụng ma túy thì mới là “dân chơi” hoặc “sành điệu”. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới dạng truyền thống như viên, bột mà còn được pha trộn, tẩm ướp vào nhiều loại thực phẩm, bánh kẹo, nước uống để “xâm nhập” sâu hơn vào học đường và chỉ được phát hiện qua xét nghiệm. Vô tình sử dụng phải các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp các chất ma túy rất dễ bị ngộ độc, thậm chí tử vong…
Gây án mạng từ “ngáo đá”
Theo đại diện C04 - Bộ Công an, thế giới đã và đang phải đối mặt với hiểm họa ma túy diễn ra ngày càng phức tạp, gia tăng về tính chất và mức độ. Các tổ chức tội phạm hoạt động với phương thức tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh và rất manh động. Nguồn cung về ma túy trên thế giới ghi nhận tăng liên tục trong 5 năm qua, mức tăng 20-25%/năm.
Thị trường ma túy ngày càng đa dạng, ngoài sản xuất ma túy tổng hợp dạng đá, ketamin, các đối tượng còn sản xuất các loại ma túy tổng hợp dạng fentanyl… Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp trong thời gian dài dẫn đến mất kiểm soát hành vi, “ngáo đá”, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Trong nước, tình trạng tổ chức, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng diễn biến hết sức phức tạp. Địa điểm sử dụng ma túy không còn là các quán bar, vũ trường, mà kín đáo hơn như chung cư, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Đáng chú ý, không chỉ ở giới trẻ, còn xuất hiện một số vụ có cán bộ, công chức nhà nước, văn nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá tham gia tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, toàn quốc có 229.265 người sử dụng trái phép chất ma túy… Số vụ phạm tội hình sự (giết người, cố ý gây thương tích…) do người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” gây ra là 21 vụ. Điển hình mới đây, ngày 5/4/2025 đối tượng Hoàng Đức Thành (SN 2003, ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã đâm chị N.T.P (SN 2003) tử vong tại chỗ, gây thương tích cho 7 người tại một khu đô thị huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Nhấn mạnh về nguy hại của ma tuý thế hệ mới, Phó Trưởng phòng 5, C04 - Bộ Công an, thượng tá Bùi Đức Thiêm khuyến cáo: “Có một số bộ phận giới trẻ cho rằng các loại ma túy mới khi sử dụng sẽ không gây nghiện. Đây là quan điểm rất sai lầm. Ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, đồng thời tàn phá hệ thần kinh trung ương, khiến người dùng không điều khiển được hành vi, thường xuyên hoang tưởng. Đã có nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra như con giết cha, chém anh chị em trong nhà sau khi sử dụng các loại ma túy mới. Vi vậy, các bạn trẻ không được sử dụng dù chỉ một lần”.
Những năm qua, công tác phòng, chống ma tuý luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý là lực lượng nòng cốt, đã làm tốt công tác tham mưu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý; đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm về ma tuý tại các địa bàn trọng điểm; phối hợp các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là người trong độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại của ma tuý… Tuy nhiên, để ngăn chặn được tệ nạn này, đòi hỏi cùng có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Ma túy được phân theo 2 nhóm: nguồn gốc tự nhiên (thuốc phiện, heroin, morphin, cocain, cần sa) và ma túy tổng hợp (ketamin, ma túy đá, thuốc lắc mà thành phần chính của ma túy đá và thuốc lắc là methamphetamin và amphetamine, tinh dầu cần sa tổng hợp, nước vui, các loại ma túy nguỵ trang dưới dạng thực phẩm). Trên thị trường có nhiều loại ma túy “núp bóng” với nhiều tên gọi khác nhau. Một số bạn trẻ sử dụng ma tuý từ thụ động sang chủ động, bởi trong các cuộc vui, sinh nhật, liên hoan, các đối tượng đã bí mật pha các loại ma túy này vào nước ngọt, đồ uống, thuốc lá để mời hoặc cho người khác sử dụng. Thượng tá Lê Bá Long, Phó trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an |
(Còn nữa)
Kỳ 3: Nhận diện thủ đoạn mới của tội phạm ma túy | |
Bài 2: Dấu ấn trinh sát ở những chuyên án ma tuý lớn | |
Kỳ 1: Phía sau chiến công gắn với sự hy sinh thầm lặng |
Đạt Lê – Hà Tuấn
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-ma-tuy-the-he-moi-tan-cong-gioi-tre-xam-nhap-hoc-duong-418169.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.