![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 4/5/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục hành chính nội bộ, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã được phê duyệt…
Công điện về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông 2025
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 8/5/2025 về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025.
Công điện đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và yêu cầu các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức có liên quan trên địa bàn tham gia phối hợp hiệu quả với ngành Giáo dục chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có phương án dự phòng cho mọi tình huống bất thường, không để xảy ra bất kỳ khâu nào của Kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp mà không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ và không có người chịu trách nhiệm; chỉ đạo Thanh tra tỉnh khẩn trương xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu, các bước, nhất là khâu phân công trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia...
Bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 8/5/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.
Để chủ động ứng phó với các tác động từ bất ổn thương mại, bảo đảm ổn định sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến thương mại toàn cầu, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp phù hợp, hiệu quả để chủ động ứng phó với những thách thức do bất ổn thương mại; cung cấp thông tin kịp thời để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ động có các giải pháp chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với chính sách nhập khẩu, chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu nhằm ổn định sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản...
Kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
Nghị quyết số 122/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Kế hoạch).
Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; kiểm soát mức phát thải khí nhà kính, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 15,8% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); quy hoạch, quản lý và khai thác bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên quốc gia; 100% diện tích các khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng được xử lý, cải tạo và phục hồi...
Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2025/NĐ-CP ngày 5/5/2025 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Nghị định quy định rõ các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Trung tâm): ưu đãi về lao động; ưu đãi về tín dụng đầu tư; ưu đãi đất đai và tạo mặt bằng hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc...
Theo Nghị định, người nước ngoài làm việc tại Trung tâm trong các trường hợp sau không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động:
Để thực hiện hợp đồng lao động với Trung tâm ở các vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu của Trung tâm.
Để thực hiện hợp đồng lao động với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Trung tâm ở các vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Trình tự, hồ sơ, thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định nêu trên áp dụng theo các quy định tại pháp luật về lao động, Luật Thủ đô và pháp luật có liên quan.
Quy định mới về lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để sửa chữa, nâng cấp tài sản
Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2025/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác.
Nghị định quy định đối với nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán kinh phí thực hiện dưới 45 tỷ đồng/nhiệm vụ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí.
Đối với nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán kinh phí thực hiện từ 45 tỷ đồng đến dưới 240 tỷ đồng/nhiệm vụ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí.
Đối với nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán kinh phí thực hiện từ 240 tỷ đồng/nhiệm vụ trở lên:
Trường hợp không thể sắp xếp, bố trí hoặc điều chỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao, các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm toàn diện xác định sự cần thiết, mục tiêu và dự toán kinh phí của nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị sử dụng kinh phí chi thường xuyên, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với nguyên tắc quy định ở trên để gửi Bộ Tài chính tổng hợp.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng
Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; trong đó quy định rõ các chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Nghị định quy định, Bộ Quốc phòng ban hành chiến lược phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng; giao nhiệm vụ, kế hoạch dài hạn sản xuất quốc phòng và quản lý việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng thông qua hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng: Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chiến thuật trong lĩnh vực quân sự đối với các sản phẩm của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; các bộ, ngành theo chức năng quản lý có trách nhiệm hỗ trợ cung cấp cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp để xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng; tạo điều kiện cho các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quân sự, chương trình đào tạo, chương trình khảo sát trong nước và nước ngoài liên quan đến nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Bộ Quốc phòng ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2025/NĐ-CP ngày 8/5/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.
Trong đó, Nghị định số 100/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí.
Theo quy định, các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước được vận hành, huy động ở mức tối đa theo khả năng cấp khí, đáp ứng các yêu cầu ràng buộc về nhiên liệu, công suất và sản lượng phát điện khả dụng của dự án nhiệt điện khí, nhu cầu và ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia;
Quy định trên áp dụng cho các dự án nhiệt điện khí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư và bắt đầu vận hành phát điện bằng khí thiên nhiên khai thác trong nước trước ngày 1/1/2036. Việc áp dụng cơ chế trên được tiếp tục áp dụng cho đến thời điểm nhà máy nhiệt điện khí không còn sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước cho phát điện.
Trường hợp khả năng cấp khí thiên nhiên khai thác trong nước không đáp ứng được nhu cầu phát điện của dự án nhà máy nhiệt điện khí, Bên bán điện và Bên mua điện thỏa thuận, thống nhất phương án sử dụng nhiên liệu và giá điện trong hợp đồng mua bán điện theo quy định hiện hành.
Thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ký Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 9/5/2025 thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương.
Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương có quy mô diện tích 15,47 ha, nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương thuộc phường Hoà Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ thông tin tập trung được quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ.
Mây Hạ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-tuan-418321-418321.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.