![]() |
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) |
Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á chu kỳ 2024 (SEA-PLM) có sự tham gia của 7 quốc gia gồm: Campuchia, Đông Timor, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Bộ GD&ĐT cho biết, Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp đầu ở cả 3 lĩnh vực toán, đọc hiểu và viết. Kết quả chi tiết về điểm số và xếp hạng sẽ được Ban Tổ chức công bố vào cuối năm 2025.
Việt Nam đã triển khai thành công kỳ khảo sát thử nghiệm năm 2023 tại 30 cơ sở giáo dục tiểu học thuộc 9 tỉnh, TP và kỳ khảo sát chính thức năm 2024 tại 152 cơ sở giáo dục tiểu học thuộc 53 tỉnh, TP.
Lần đầu Việt Nam tham gia chương trình SEA-PLM là chu kỳ 2019. Chương trình có sự tham gia của 6 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Kết quả, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu cả 3 lĩnh vực khảo sát. Trong đó toán đạt 341,55 điểm (trung bình khu vực là 304,79); đọc hiểu đạt 336,46 điểm (trung bình khu vực là 300); viết đạt 328,01 điểm (trung bình khu vực là 304,92)
Kết quả tham gia chương trình chu kỳ 2019 và 2024 của học sinh Việt Nam cho thấy sự tương đồng rõ rệt với kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) dành cho học sinh ở lứa tuổi 15.
Trong kỳ PISA 2022, điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 2 khu vực ASEAN, sau Singapore. Cụ thể, môn toán xếp thứ 31/81 quốc gia; khoa học xếp thứ 35/81 quốc gia; đọc xếp thứ 34/81 quốc gia.
Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á nhằm đánh giá mức độ học sinh tiểu học đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục tại các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt ở các lĩnh vực đọc hiểu, viết, toán và công dân toàn cầu. Chương trình thực hiện theo chu kỳ 5 năm/lần, tạo cơ sở để các quốc gia theo dõi tiến bộ giáo dục tiểu học.
Đây là chương trình đầu tiên sử dụng mô hình dựa trên giá trị chung ASEAN, xây dựng khung đánh giá phức tạp để đo lường khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn. Đồng thời cũng là chương trình đầu tiên đo lường năng lực viết với nhiều hệ chữ viết khác nhau, sử dụng thang đo chung, đồng thời thu thập thông tin từ học sinh, giáo viên, nhà trường và phụ huynh qua đề thi và phiếu hỏi.
An Nhiên
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/viet-nam-dung-top-dau-chuong-trinh-danh-gia-ket-qua-hoc-tap-cua-hoc-sinh-tieu-hoc-khu-vuc-dong-nam-a-418373.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.