Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)
Những tư liệu quý giá của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố tại “quê hương chị Dậu”
12:44 | 13/05/2025
Hơn 70 năm qua, tại quê hương Lộc Hà (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội), những hiện vật, tư liệu, tác phẩm, bài báo của nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa Ngô Tất Tố vẫn được lưu giữ như một phần ký ức sống động.
 |
Một ngày tháng 5, cái nắng đầu hè rực rỡ trải dài trên con đường nhỏ dẫn về làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh – nơi sinh ra nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa Ngô Tất Tố. Không còn hình ảnh của một làng quê nghèo khó, Lộc Hà hôm nay khoác diện mạo mới với những ngôi nhà khang trang, đường làng sạch đẹp, nhưng vẫn giữ đâu đó dáng dấp của một vùng quê Kinh Bắc xưa - nơi đã nuôi dưỡng một tài năng lớn của văn chương và báo chí nước nhà. |
 |
Ngô Tất Tố (1893 - 1954) là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam, đồng thời là một nhà báo tiên phong, một trí thức đầy trách nhiệm với thời cuộc. Làng Lộc Hà, từng gắn liền với tuổi thơ và ký ức sáng tác của nhà văn Ngô Tất Tố. Mảnh đất này đã trở thành nguyên mẫu để tạo nên nhân vật “chị Dậu” – người phụ nữ nông dân lam lũ, giàu đức hy sinh trong tiểu thuyết "Tắt đèn" – tác phẩm được xem là đỉnh cao của văn học hiện thực 1930 - 1945. |
 |
Ngôi nhà nhỏ nằm ở xóm Dưới 1, thôn Lộc Hà nay đã được xây mới khang trang. Đây là nơi cụ Ngô Tất Tố từng sinh sống, hiện do cháu đích tôn của cụ - ông Ngô Tất Hiểu đảm trách phần hương hỏa, thờ cúng. Căn nhà được coi là điểm dừng chân không thể thiếu đối với những người muốn tìm hiểu về di sản báo chí - văn học của cụ. |
 |
Năm 2010, khu Di tích lịch sử kháng chiến của cụ Ngô Tất Tố được xây dựng ngay trong khuôn viên nền đất của gia đình. Đây là không gian bảo tồn những hiện vật gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn - nhà báo lỗi lạc. |
 |
Trong ngôi nhà nay đã được trùng tu, những kỷ vật như chiếc điếu bát, bản in "Tắt đèn", những trang viết phóng sự cũ vẫn được bảo quản cẩn thận. Đó không chỉ là vật dụng, mà là minh chứng cho một đời cầm bút không mỏi của một trí thức luôn hướng về Nhân dân. |
 |
Hai chiếc tủ gỗ trong nhà đựng đầy sách, tài liệu: một tủ lưu giữ các cuốn sách của cụ Ngô Tất Tố, một tủ chứa các tài liệu, ấn phẩm của bạn văn đương thời. Những trang sách cũ, giấy ố màu theo thời gian nhưng vẫn giữ nguyên sức nặng tư tưởng và giá trị lịch sử. |
 |
Ông Ngô Tất Hiểu cho biết, cách đây vài năm, do tuổi cao sức yếu, bà Ngô Thị Thanh Lịch - con gái cụ Ngô Tất Tố (đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IV tỉnh Hải Hưng) đã trao lại cho ông Ngô Tất Hiểu các hiện vật, tư liệu, tác phẩm sau 7 năm kỳ công sưu tầm. Đây là những tác phẩm được bà Ngô Thị Thanh Lịch và chồng là ông Cao Đắc Điểm – tiến sĩ nông nghiệp sưu tầm và xuất bản bộ sách “Ngô Tất Tố Toàn Tập” (5 tập, hơn 4.500 trang). Đến 2005, họ đã thu thập được gần 3.000 bài báo của cụ đăng trên gần 30 tờ báo khắp cả nước. |
 |
Đối với các thế hệ người làm báo, cuốn sách “Việc làng” không chỉ là một thiên phóng sự, mà là một bản điều tra - bình luận sâu sắc về thực trạng nông thôn Việt Nam trước 1945. Cụ Ngô Tất Tố không chỉ kể chuyện, mà còn lên án, cảnh tỉnh và soi sáng bằng ngòi bút chính luận sắc bén. |
 |
Chiếc điếu bát này là một trong những vật dụng hiếm hoi còn lại mà cụ từng dùng. Mộc mạc, đơn sơ như chính cuộc đời của một người cầm bút dấn thân – luôn bênh vực cho dân nghèo, kẻ khổ. |
 |
Bức tượng chân dung cụ Ngô Tất Tố và bức ảnh hiếm chụp lại trong thời kỳ kháng chiến được gia đình gìn giữ cẩn thận. Đây là những hình ảnh không có lần thứ hai – ghi lại một phần diện mạo và thần thái của một người trí thức yêu nước. |
 |
Bản in tiểu thuyết "Tắt đèn" – tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố. Với hình tượng người phụ nữ nông dân chịu áp bức, đặc biệt là chị Dậu, tác phẩm đã gây chấn động văn đàn vào năm 1939. |
 |
Tác phẩm "Cẩm hương đình" là sản phẩm dịch đầu tay của Ngô Tất Tố ra mắt bạn đọc. |
 |
Cuốn Kinh Dịch là tác phẩm quý của thời đại với bản in đặc biệt. |
 |
Là những thế hệ sau trong gia đình nhà văn, ông Ngô Tất Hiểu vẫn gìn giữ từng cuốn sách, từng kỷ vật như một phần máu thịt của cha ông. |
 |
Theo tư liệu, từ năm 1946, cụ Ngô Tất Tố gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này, Ngô Tất Tố đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng chi hội văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc khu XII, Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc trung ương... Ngoài ra, cụ được bầu vào vị trí ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam tại đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948). Các bút tích của cụ Ngô Tất Tố được gia đình lưu giữ cẩn thận. |
 |
Cách Điểm di tích cách mạng kháng chiến chừng 300m là khu lăng mộ cụ Ngô Tất Tố được xây dựng trên khuôn viên gần 100m², do con trai cụ – ông Ngô Hoành Trù thiết kế, nằm gọn trong làng quê thanh bình - nơi người dân vẫn gọi là “quê hương chị Dậu”. |
 |
Năm 1996, cụ Ngô Tất Tố được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Từ 1994 đến nay, giải báo chí Ngô Tất Tố được tổ chức thường niên tại Hà Nội là sự ghi nhận xứng đáng cho một cây bút tiên phong của nền báo chí cách mạng Việt Nam. |
Mộc Miên