![]() |
Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực nghiệm khoa học. Ảnh tư liệu |
Cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo thống kê, từ năm 2013, Hà Nội đã thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, tính cả năm 2020, Hà Nội đã tuyên dương 1.879 thủ khoa xuất sắc, chỉ 10% trong số này (186 người) về làm việc tại các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND của TP và trong quá trình công tác, nhiều nhân tài được tuyển dụng đã “rời đi”.
Thạc sĩ Đào Thị Hồng Ngọc, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định: “Có rất nhiều lý do khác nhau cho sự việc trên nhưng có thể kể tới nguyên nhân xuất phát từ chính sách hầu như chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp, như: tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn”.
Để giữ chân được nguồn nhân tài một cách lâu dài, theo thạc sĩ Bùi Hồng Ngọc, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cần có quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho Thủ đô và đất nước tốt hơn. Cụ thể về chính sách thu hút trọng dụng nhân tài có tính đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.
Ở góc nhìn khác, thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thảo, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội cho rằng, để chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài sát với thực tế, không mang tính hình thức, khẩu hiệu, ngoài chế độ, đãi ngộ, Hà Nội cần quy định cụ thể về cách thức sử dụng người có tài năng sau khi được thu hút, môi trường làm việc, sự thăng tiến… Công tác phân công, bố trí phải bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn mà các cá nhân được đào tạo.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thảo, thu hút nhân tài, nhưng họ lại không được bố trí, sắp xếp đúng chuyên môn, năng lực và vị trí việc làm dẫn đến tình trạng người được thu hút về thiếu khả năng độc lập, quyết đoán trong giải quyết công việc, thụ động trong thực thi nhiệm vụ. Thực tế, nhiều người giỏi về chuyên môn, nhưng chưa chắc đã là nhà quản lý tốt, thậm chí có những người chuyên môn giỏi, họ cũng không màng đến các chức danh hành chính, mà cần một chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho họ trong các thang bậc chuyên môn”.
Những chính sách vượt trội về thu hút người tài
Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024, gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, và của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
Theo đó, Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…
Một trong những nét mới quan trọng của Luật Thủ đô năm 2024 là quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.
Trong đó, với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc. Đây được coi là chính sách mạnh hơn, đột phá hơn để thu hút nhân tài đến với các đơn vị Nhà nước thay vì các công ty tư nhân, nước ngoài.
Điểm nổi bật nữa là Luật Thủ đô 2024 quy định về sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô. Theo đó, HĐND TP Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội.
Như vậy, HĐND TP Hà Nội thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của TP.
Điểm nhấn trong Luật Thủ đô 2024 là việc thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức…
Đây được coi là “chất xúc tác” cực kỳ quan trọng để nhân tài bớt “thờ ơ” với công việc trong các cơ quan nhà nước với câu chuyện liên quan đến chính sách đãi ngộ. Ít nhất, chính sách này tại Luật Thủ đô 2024 đã có tính cạnh tranh thu hút nhân tài với các đơn vị ngoài Nhà nước.
Luật Thủ đô 2024 và các văn bản cụ thể hóa còn nâng cao mức lương cơ bản cho nhân tài, đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ cao. Các cá nhân được xem là đối tượng diện thu hút nhân tài đã được quy định bao quát, mở rộng tầm quốc tế, cụ thể là "công dân Việt Nam có phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn...", "người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn...".
Theo tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, những chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả sẽ là đòn bẩy, động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển Thủ đô.
Với những chính sách vượt trội về thu hút người tài,Hà Nội đang trên đà trở thành một trung tâm thu hút nhân tài toàn cầu. Tác động của các chính sách này không chỉ giúp Thủ đô phát triển nhanh hơn mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng lâu dài.
Cơ hội để phát triển khu công nghệ cao hiệu quả nhất |
Lê Mận
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-co-che-uu-viet-giup-ha-noi-tro-thanh-trung-tam-thu-hut-nhan-tai-toan-cau-418647.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.