![]() |
Giá xăng dầu thế giới giảm nhẹ. Ảnh: Int |
Giá xăng dầu thế giới
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 9/5, tồn kho dầu của Mỹ tăng 4,287 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/5, giá dầu tiếp tục “bỏ túi” gần 3%, được hỗ trợ mạnh bởi việc cắt giảm tạm thời thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc và báo cáo lạm phát của Mỹ tốt hơn dự kiến.
Giá dầu Brent tăng 1,67 USD, tương đương 2,57%, lên mức 66,63 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,72 USD, tương đương 2,78%, lên mức 63,67 USD/thùng.
Cả dầu Brent và WTI đã cùng tăng khoảng 4%, sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí giảm mạnh thuế nhập khẩu trong ít nhất 90 ngày. Thỏa thuận này cũng thúc đẩy cổ phiếu trên Phố Wall và đồng USD tăng.
Giải thích về giá dầu tăng gần gấp đôi so với phiên giao dịch trước, John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC cho biết: "Chúng tôi đã không tham gia nhiều như các thị trường khác đã làm trong cơn bùng nổ của Trung Quốc, vì vậy chúng tôi đang bắt kịp". Theo nhà phân tích này, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố trong ngày 13-5 đã tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu thực hiện một số động thái.
Reuters dẫn báo cáo từ Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 4, PCI của Mỹ đã tăng 0,2%, thấp hơn 0,1% so với dự báo của các nhà kinh tế. Đáng chú ý là, trong vòng một năm tính đến tháng 4, PCI chỉ tăng 2,3%, mức tăng theo năm nhỏ nhất trong 4 năm, khiến JPMorgan Chase và Barclays phải cắt giảm dự báo về suy thoái kinh tế ở Mỹ trong những tháng tới.
Chỉ số lạm phát ôn hòa hơn có thể sẽ được Fed chào đón, khi vẫn giữ nguyên lãi suất chuẩn kể từ lần cắt giảm gần nhất vào tháng 12/2024. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tạm dừng cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc chiến thương mại có thể làm tái bùng phát lạm phát.
"Tất cả các con số đều lạc quan. Chỉ số lạm phát, dữ liệu kinh tế đều hỗ trợ giá" - nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group nhận xét.
Hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên là kế hoạch tăng xuất khẩu dầu vào tháng 5 và tháng 6 của OPEC+. OPEC đã tăng sản lượng dầu nhiều hơn dự kiến trước đó kể từ tháng 4. Sản lượng tháng 5 của nhóm có khả năng tăng 411.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, cũng theo Reuters, nguồn cung dầu thô từ Saudi Arabia cho Trung Quốc sẽ ổn định trong tháng 6 sau khi đạt mức cao nhất trong hơn một năm vào tháng trước, sau quyết định tăng sản lượng của OPEC+. Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Nga.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14/5/2025 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 8/5 của liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 377 đồng/lít, xuống còn 18.777 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 407 đồng/lít, xuống còn 19.179 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S giảm 550 đồng/lít, xuống còn 16.809 đồng/lít; dầu hỏa giảm 623 đồng/lít, xuống còn 16.941 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S giảm 665 đồng/kg, xuống còn 15.533 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Như vậy, tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 19 phiên điều chỉnh, trong đó có 9 phiên giảm, 7 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
Phú An
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gia-xang-dau-hom-nay-1452025-gia-xang-dau-the-gioi-giam-nhe-418717.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.