Đề xuất điều chỉnh phụ cấp cho giáo viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục công lập

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để lấy ý kiến đóng góp.
Mức phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non cũng được điều chỉnh theo hướng công bằng và phù hợp hơn. Ảnh: Khánh Huy
Mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non cũng được điều chỉnh theo hướng công bằng và phù hợp hơn. Ảnh: Khánh Huy

Dự kiến chế độ phụ cấp ưu đãi mở rộng áp dụng cho tất cả viên chức và người lao động, nhân viên trường học

Sau 20 năm thi hành, Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC đã góp phần nâng cao thu nhập cho giáo viên, đảm bảo điều kiện để họ thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm. Tuy nhiên, các quy định này cũng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là về mức phụ cấp ưu đãi theo nghề chưa công bằng và không tương xứng với khối lượng công việc.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất là mức thu nhập của giáo viên mầm non. Dù đảm nhiệm công việc chăm sóc trẻ nhỏ trong thời gian dài (9-10 giờ/ngày), với hệ số lương khởi điểm 2,10 và phụ cấp 35%, thu nhập của họ chỉ khoảng 6,63 triệu đồng/tháng - mức thấp nhất so với các cấp học khác. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao: từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, có tới 1.600 giáo viên mầm non bỏ việc, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc trên toàn quốc.

Ngoài ra, chế độ phụ cấp cho giáo viên trường dự bị đại học cũng gặp nhiều bất cập. Mặc dù có mức độ công việc tương đồng với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú (cùng phải quản lý, chăm sóc học sinh nội trú) nhưng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề chỉ là 50% - thấp hơn so với mức 70% của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú. Việc áp dụng các mức phụ cấp chưa đồng bộ giữa các địa phương cũng gây ra sự bất cập lớn.

Nhân viên trường học cũng gặp khó khăn vì không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề. Đa số các vị trí này áp dụng bảng lương thấp nhất của viên chức, đồng thời không có cơ hội thăng hạng do vị trí ít biến động. Điều này khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp khó trong tuyển dụng nhân viên chuyên trách.

Đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, giáo viên trường dự bị đại học

Dự thảo Nghị định mới được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định phù hợp trước đây, đồng thời điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý nhất là mở rộng đối tượng áp dụng cho tất cả viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm cả người tập sự, thử việc, hợp đồng.

Mức phụ cấp ưu đãi cũng được điều chỉnh theo hướng công bằng và phù hợp hơn. Cụ thể, giáo viên mầm non sẽ được tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng khó khăn. Giáo viên trường dự bị đại học cũng sẽ được nâng mức phụ cấp từ 50% lên 70%, ngang bằng với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú.

Nhân viên trường học cũng được bổ sung phụ cấp lần đầu tiên, với mức 15% cho các vị trí hỗ trợ, 20% cho chức danh chuyên môn dùng chung, và 25% cho chức danh chuyên ngành.

Dự thảo Nghị định không chỉ giải quyết những bất cập hiện tại mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đội ngũ giáo viên. Nếu được thông qua, Nghị định mới sẽ tạo ra khung pháp lý rõ ràng và đồng bộ, góp phần giữ chân nhân lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giáo dục. Đây là bước tiến cần thiết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người trực tiếp làm công tác giáo dục tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Quy định mới về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học
Quy định mới về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên
Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục

Mây Hạ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.