Việt Nam tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật thường trực WCO nhiệm kỳ 2025-2026

Việt Nam một lần nữa được cộng đồng quốc tế ghi nhận vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực hải quan khi tiếp tục giữ chức Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật thường trực (PTC) của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) nhiệm kỳ 2025-2026.
Việt Nam tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật thường trực WCO nhiệm kỳ 2025-2026
Việt Nam tiếp tục giữ chức Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật thường trực của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).

Tại phiên họp lần thứ 247/248 của PTC diễn ra tại trụ sở WCO ở Brussels (Bỉ), bà Nguyễn Thị Vĩnh Hoài – Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO đã được tín nhiệm tái đắc cử Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2025-2026. Đây là sự kiện mang tính cột mốc, khẳng định năng lực lãnh đạo và những đóng góp thực chất của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa ngành hải quan quốc tế.

Việc Việt Nam tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch PTC – một ủy ban kỹ thuật có vai trò cốt lõi trong việc hoạch định chính sách và xây dựng định hướng chiến lược cho ngành hải quan thể hiện sự tin tưởng sâu sắc từ các thành viên WCO. Thành quả này cũng là minh chứng rõ ràng cho những bước tiến vượt bậc của hải quan Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp và thách thức.

Phiên họp thu hút gần 300 đại biểu là chuyên gia hàng đầu đến từ các cơ quan hải quan quốc gia, các tổ chức quốc tế như WTO, ICC, khu vực tư nhân và giới học thuật toàn cầu. Các cuộc thảo luận tập trung vào những vấn đề nóng hiện nay như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, thương mại điện tử và tăng cường kết nối dữ liệu hải quan toàn cầu.

Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, PTC đã tổ chức thảo luận chuyên sâu về việc quản lý hiệu quả hàng hóa giá trị thấp, phối hợp với các đối tác thương mại và áp dụng công nghệ số hiện đại. Mục tiêu là tạo ra sự cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo tuân thủ pháp luật – yếu tố then chốt trong môi trường kinh doanh quốc tế hiện đại.

PTC cũng ghi nhận bước tiến quan trọng trong nỗ lực số hóa quy trình xác minh xuất xứ thông qua Khung kết nối Giấy chứng nhận xuất xứ và cập nhật hướng dẫn về chống gian lận xuất xứ – một thách thức lớn trong chuỗi cung ứng hiện nay.

Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch, đã góp phần thúc đẩy nhiều sáng kiến như xây dựng nền tảng trao đổi dữ liệu hải quan toàn cầu (CDEP), đẩy mạnh dự án hải quan thông minh, ra mắt cổng thông tin Cộng đồng Hải quan thông minh, và công bố các nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng công nghệ mới. Những hoạt động này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tính thực tiễn và định hướng dài hạn.

Cùng với đó, PTC đã bàn thảo các biện pháp thực hiện kế hoạch hành động Hải quan Xanh, góp phần đưa cơ quan hải quan trở thành lực lượng tiên phong trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Phát biểu bế mạc phiên họp, bà Nguyễn Thị Vĩnh Hoài nhấn mạnh: “Trong bối cảnh ngành hải quan toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, sự hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo và thích ứng linh hoạt chính là chìa khóa thúc đẩy thương mại thuận lợi và bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng.”

Việc Việt Nam tiếp tục giữ vai trò chủ tịch Ủy ban kỹ thuật thường trực WCO là cơ hội quý báu để khẳng định tiếng nói và vị thế của đất nước trong các vấn đề cốt lõi của ngành hải quan thế giới. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm lớn lao, thúc đẩy Việt Nam tiếp tục đóng góp sâu rộng và chủ động hơn nữa trong việc xây dựng một hệ thống hải quan hiện đại, minh bạch và phát triển bền vững toàn cầu.

Việt Nam khẳng định vị thế là địa điểm thi đấu đẳng cấp quốc tế Việt Nam khẳng định vị thế là địa điểm thi đấu đẳng cấp quốc tế
Xuất nhập khẩu kỳ 1 tháng 3/2025: tăng trưởng, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư Xuất nhập khẩu kỳ 1 tháng 3/2025: tăng trưởng, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư

Vũ Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.