![]() |
Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tăng trở lại tại châu Á. |
Các chuyên gia và cơ quan y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc), tỷ lệ dương tính với COVID-19 tại nhóm bệnh nhân có triệu chứng cúm tăng mạnh từ 7,5% lên 16,2% trong giai đoạn từ 31/3 đến 4/5/2025. Đồng thời, số ca nội trú mắc viêm đường hô hấp cấp nặng cũng tăng gấp đôi.
Đặc biệt, từ 14/4 đến 4/5, COVID-19 đã vượt qua rhinovirus để trở thành nguyên nhân chính gây bệnh cúm tại các cơ sở y tế ngoại trú và cấp cứu trên toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc nhận định đợt gia tăng này nằm trong chu kỳ biến động tự nhiên của virus. Dù vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lơ là, vì mức kháng thể cộng đồng đã suy giảm sau nhiều tháng không ghi nhận làn sóng dịch lớn.
Còn tại Thái Lan ghi nhận 53.676 ca nhiễm và 16 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong vòng hơn 4 tháng đầu năm 2025. Đặc biệt tại Bangkok, số ca nhiễm đạt đỉnh trong tuần từ 27/4 đến 3/5, với hơn 14.000 ca.
Dù số ca nhiễm mới giảm nhẹ trong tuần tiếp theo, Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin kêu gọi người dân không hoảng loạn.
“Phần lớn ca nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ và COVID-19 hiện đã được phân loại là bệnh đặc hữu tại Thái Lan”, ông Thepsutin khẳng định.
Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đang chiếm ưu thế, nhưng theo Bộ Y tế Thái Lan, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn. Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích tiêm vaccine tăng cường hàng năm, tương tự như phòng ngừa cúm mùa.
Tại Singapore, số ca mắc COVID-19 tăng từ 11.100 lên 14.200 ca chỉ trong một tuần (27/4 – 3/5/2025). Số ca nhập viện cũng tăng lên 133, dù số ca nặng vẫn duy trì ở mức thấp. Theo Bộ Y tế Singapore, hai biến thể phụ đang lưu hành chủ yếu là LF.7 và NB.1.8, đều là hậu duệ của JN.1 và đã có vaccine phòng ngừa.
Bộ trưởng Y tế Singapore - Ong Ye Kung nhấn mạnh rằng hệ thống y tế vẫn kiểm soát được tình hình, nhưng kêu gọi nhóm nguy cơ cao như người trên 60 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên y tế tiếp tục tiêm vaccine nhắc lại sau mỗi năm. Bên cạnh đó, các biện pháp như rửa tay, đeo khẩu trang khi có triệu chứng, tránh tiếp xúc khi không khỏe vẫn được khuyến nghị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron tuy có khả năng lây lan nhanh chóng, nhưng chưa gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn các biến thể trước. WHO hiện chưa ban hành cảnh báo toàn cầu mới, nhưng vẫn khuyến cáo người dân duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản và tiêm chủng đầy đủ, nhất là với những người có nguy cơ cao.
Sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc, Thái Lan và Singapore là lời nhắc nhở rõ ràng rằng đại dịch vẫn có nguy cơ quay trở lại. Trong bối cảnh virus liên tục biến đổi, việc duy trì cảnh giác, tăng cường tiêm chủng và chủ động bảo vệ sức khỏe cá nhân là cách tốt nhất để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới.
![]() | COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng đến Olympic Paris 2024 Trong diễn biến mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố thông tin đáng lo ngại khi hơn 40 vận động ... |
![]() | Triều Tiên mở cửa du lịch trở lại sau 5 năm đóng cửa vì Covid-19 Sau nhiều năm đóng cửa do đại dịch, Triều Tiên đang dần mở lại hoạt động du lịch quốc tế, tạo cơ hội cho du ... |
Vũ Linh
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/covid-19-gia-tang-tro-lai-tai-chau-a-canh-bao-tu-trung-quoc-thai-lan-va-singapore-418777.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.