![]() |
Kiều Anh biểu diễn Cô Đôi Thượng Ngàn. Ảnh: chương trình cung cấp |
Kết hợp văn hóa truyền thống và hiện đại một cách tinh tế
Khi thực hiện MV “Bắc Bling”, Hòa Minzy mong muốn mang tình làng nghĩa xóm, tình yêu cội nguồn vào trong từng khuôn hình, từng giai điệu, để mọi người thấy được vẻ đẹp Bắc Ninh không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong văn hóa. Đây là tư duy rất thông minh của nữ ca sĩ, bởi những gì giản dị, mộc mạc đều rất dễ dàng đi vào lòng người. Còn gì thiêng liêng và tự hào hơn khi nghệ sĩ đưa vẻ đẹp của quê hương, đất nước vào chính sản phẩm nghệ thuật của mình. Và cũng chính điều này đã giúp “Bắc Bling” chinh phục được trái tim số đông khán giả, trở thành “MV quốc dân” ở thời điểm hiện tại.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết, xu hướng kết hợp văn hóa truyền thống và hiện đại là sự tiếp nối dân gian đương đại, các bạn trẻ tiếp tục làm mới, đưa tiết tấu, câu chuyện và hơi thở đương đại để tôn vinh những giá trị truyền thống đẹp đẽ của dân tộc ở các vùng miền khác nhau, phản ánh sự đa dạng của bản sắc âm nhạc và bản sắc văn hóa.
Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Khánh Ly - giảng viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho rằng, văn hóa dân gian là kho tàng quý giá của dân tộc, chứa đựng những giá trị tinh thần, lịch sử và nghệ thuật sâu sắc. Việc nghệ sĩ khai thác chất liệu dân gian, truyền thống để đưa vào các sản phẩm âm nhạc là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc Việt Nam vì điều này vừa thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước của nghệ sĩ, vừa mang đến diện mạo mới mẻ, ghi dấu bản sắc Việt.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Khánh Ly, việc đưa những chất liệu này vào âm nhạc không hề đơn giản. Mỗi chất liệu văn hóa dân gian đều có những ý nghĩa riêng nên không thể áp dụng chúng một cách rập khuôn, máy móc. Để có một sản phẩm âm nhạc chất lượng, chất liệu dân gian phải được xử lý tinh tế, nếu không sẽ dẫn đến sự biến tấu tiêu cực, gây hiểu nhầm không hay.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, các nghệ sĩ đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc đương đại không chỉ nối dài giá trị truyền thống mà còn mở ra những hướng sáng tạo mới mẻ, giúp lan tỏa rộng khắp những giá trị văn hóa dân tộc. Là nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực chèo, NSND Thanh Ngoan đánh giá cao những ý tưởng, dự án nghệ thuật có chất liệu dân gian, giúp các giá trị văn hóa truyền thống đến gần với khán giả. Nữ nghệ sĩ cho biết, để có một sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc Việt, nghệ sĩ trẻ cần nghiên cứu sâu về nghệ thuật truyền thống để cảm nhận đúng và sâu sắc cái hay, cái đặc sắc của tinh hoa văn hóa dân tộc...
![]() |
Soobin Hoàng Sơn mang đàn bầu lên sân khấu Anh trai vượt ngàn chông gai. Ảnh: chương trình cung cấp |
Chọn yếu tố đắt giá để tạo độ nhận diện cao
Với nhiều sản phẩm, khi âm nhạc vang lên khán giả đã có thể nhận ra dòng nhạc đó thuộc thể loại gì, hay nghệ sĩ đã sử dụng nhạc cụ nào… tức là độ nhận diện tốt. Theo NSND Thanh Ngoan, nghệ sĩ nên đưa những nét đặc trưng nhất, ví dụ như câu hát kinh điển của loại hình nghệ thuật truyền thống mà nghệ sĩ định sử dụng cho sản phẩm. Điều này rất đáng quý và tạo sự nhận diện tốt, ví dụ khi đưa quan họ vào sản phẩm âm nhạc, cần khai thác yếu tố đặc trưng của quan họ là độ vang, rền, nền, nảy. Sự hòa quyện giữa yếu tố mới và cũ sẽ tạo nên một sản phẩm chất lượng, dễ dàng tạo ra trào lưu và trở thành động lực để các nghệ sĩ trẻ in đậm bản sắc Việt trong sự phát triển của âm nhạc.
Theo nhạc sĩ Hoài An, để cho ra đời được một sản phẩm âm nhạc kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc truyền thống và nhạc hiện đại thì trước hết nghệ sĩ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về chất liệu âm nhạc truyền thống mà mình đang hướng tới. Nghệ sĩ cần xác định rõ mình muốn làm gì, với những nguyên liệu nào, cho ai biểu diễn, hướng đến người thưởng thức là ai… Những điều này cần được lên kế hoạch từ trước, có sự tính toán tỉ mỉ, sau đó cần thêm chút may mắn đúng thời điểm để có sự thăng hoa nhất.
Nhạc sĩ Hoài An nhận định bản sắc riêng biệt của âm nhạc dân gian chính là hồn dân tộc nên sẽ giúp tác phẩm thấm sâu vào lòng người nghe. Còn yếu tố âm nhạc hiện đại chính là bệ phóng giúp cho âm nhạc dân gian lan toả rộng rãi, dễ dàng tiếp cận công chúng, đặc biệt là người trẻ. Sự phối hợp âm nhạc hiện đại sẽ giúp nghệ thuật truyền thống có thêm cầu nối để đi xa hơn, không chỉ trong nước mà còn đến với bạn bè quốc tế. Vì vậy, nghệ sĩ cần kết hợp khéo léo, khi thì hoà quyện, kết dính, khi thì cần phân tách hợp lý.
Trong nhiều chương trình âm nhạc, các nghệ sĩ đã lựa chọn yếu tố dân tộc để thể hiện và tạo được dấu ấn đậm nét. Gần đây, Soobin Hoàng Sơn mang “Trống cơm” lên sân khấu “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay ca nương Kiều Anh mang “Cô Đôi Thượng Ngàn” lên chương trình “Chị đẹp đạp gió” khiến khán giả đặc biệt ấn tượng. Tức là nhiều chương trình đã trở thành bệ phóng giúp văn hóa dân tộc được phủ sóng rộng rãi. Đây cũng được cho là một trong những phương thức truyền thông những giá trị văn hóa truyền thống một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia, truyền thông không chỉ là công cụ để quảng bá tác phẩm mà còn giúp giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Với MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy, sự thành công được kết tinh từ nhiều yếu tố, trong đó có sức mạnh từ truyền thông. Ngay từ cách lựa chọn nghệ sĩ tham gia MV, cô đã cố gắng mời nghệ sĩ Xuân Hinh vừa tạo độ nhận diện tốt, vừa tạo sự tò mò cho khán giả. Hay cách nữ ca sĩ tổ chức họp báo tại quê nhà Bắc Ninh với cảnh quan được bố trí đúng chất làng quê Bắc Bộ cũng tạo được dấu ấn tốt.
Thực tế, ở Việt Nam, truyền thông trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều tác phẩm hay nhưng chưa được quảng bá đúng mức nên chưa được nhiều người biết đến, đồng nghĩa, chưa đạt được thành công như mong đợi. Các chuyên gia cho rằng, ekip nghệ sĩ cần chiến lược truyền thông bài bản, khoa học. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn báo chí và các nền tảng số cũng nên quan tâm hơn đến những tác phẩm thực sự có giá trị bởi đây chính là cầu nối giúp các tác phẩm hay được lan tỏa.
Các nhà sản xuất chương trình âm nhạc cũng cần nhận thức rõ sứ mệnh của mình trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, từ đó có hướng đi hợp lý. Đặc biệt, các cấp, các ngành cũng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp nghệ sĩ sáng tạo, tiếp cận công chúng tốt hơn, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống một cách bền vững.
(Còn nữa)
Bài 1: Biến âm nhạc thành bệ phóng phát triển văn hóa truyền thống |
An Nhiên
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-2-chien-luoc-bai-ban-gat-hai-thanh-cong-418821.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.